Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Tuesday, October 06, 2020 , 0 bình luận

Quá trình tôn tạo chùa Khám Sơn (thôn Đầu, xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), người dân đã cử ra ban kiến thiết xây dựng gồm 10 thành viên. Công trình cho đến nay đã hoàn thành phần lớn các hạng mục. Thế nhưng, thời gian vừa qua lại xuất hiện những thông tin ác ý, sai sự thật, vu khống ban kiến thiết.



Đặt điều ác ý

Phụng Công là xã có vị trí địa lý thuận lợi trong phát triển kinh tế và giao thương của huyện Văn Giang. Trong những năm qua, các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại phát triển mạnh, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống nhân dân được nâng cao. Năm 2015, xã đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới.

Xã Phụng Công có 9 điểm tín ngưỡng, tôn giáo trong đó có quần thể đình, chùa ở thôn Đầu. Nhưng trải qua thời gian mưa nắng, ngôi chùa Khám Sơn (quen gọi là chùa Đầu) đã xuống cấp trầm trọng. Cụ Trần Thị Soạn (88 tuổi) nhớ lại: “Chùa bị xiêu tường, dột nóc. Mỗi khi trời mưa to, ban chấp hành lại phải ra chùa lấy thau hứng”.

Nguyện vọng của cán bộ và nhân dân thôn Đầu nói riêng, xã Phụng Công nói chung là mong muốn trùng tu, xây dựng lại ngôi chùa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Quá trình tổ chức xây dựng chùa, khu vực đã tổ chức họp dân và thành lập ban kiến thiết gồm 10 thành viên do ông Đỗ Văn Cần làm trưởng ban.

Không phụ sự ủy thác của bà con, phật tử trong và ngoài xã, ban kiến thiết đã nỗ lực ngày đêm, đem trọn tâm sức và khả năng của mình vào công cuộc kiến thiết chùa Đầu, đồng lòng quyết tâm kiến tạo xây dựng quần thể chùa Đầu khang trang để vừa làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng vừa bảo tồn truyền thông văn hóa của dân tộc. “Có những phật tử đã thành tâm công đức từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Bản thân tôi cũng ủng hộ tới 600 triệu cả tiền mặt và hiện vật”, ông Cần cho hay.

Công trình xây dựng lấn chiếm của gia đình ông Lê Hữu Phước


“Trước khi tôn tạo, phía trước ngôi Tam Bảo là ao, vùng thũng sâu tới gần 3m. Nguyên khối lượng cát san lấp, tạo nền đã lên tới hơn 10.000m3. Công trình cũng sử dụng tới 37-38 vạn gạch; hơn 500m3 bê tông tươi đổ sân, mở rộng khuôn viên hàng ngàn m2 ... mới có được khuôn viên khang trang, đẹp đẽ như ngày hôm nay”, tiếp lời ông trưởng ban kiến thiết.

Sự đóng góp của ban kiến thiết chùa Đầu được chính quyền xã Phụng Công xác nhận: “Ban kiến thiết đã họp và phân công nhiệm vụ cho các thành viên, làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân trong và ngoài xã phát tâm công đức xây dựng chùa, hoàn thành công trình đúng theo kế hoạch, đảm bảo công khai, minh bạch, chính xác và hài hòa với cảnh quan khuôn viên quần thể di tích”.

Chủ tịch UBND xã Phụng Công Nguyễn Văn Thu nêu trong cuộc họp giữa chính quyền xã, thôn và ban kiến thiết ngày 10/9: “Đảng ủy – UBND xã ghi nhận những công lao, đóng góp của các ông, các bà thành viên ban kiến thiết trong việc tổ chức và vận động nhân dân xây dựng chùa Đầu thời gian qua”.

Thế nhưng công sức của ban kiến thiết chùa Đầu chưa được vinh danh đã đành, đã thế thời gian gần đây lại có những kẻ xấu tung tin đồn nhảm, vu khống ác ý, nhỏ to rằng ban kiến thiết trong đó có ông Cần trục lợi từ tiền công đức.

Dù vẫn biết rằng, phát tâm vào cửa Chùa không ai đòi phải kể công thế nhưng “hùm chết để da, người ta chết để tiếng”, nhất là “bia miệng” ở làng quê. Những tin đồn xấu, độc này không chỉ khiến các thành viên ban kiến thiết buồn phiền mà nhiều người dân địa phương cũng không khỏi bức xúc.

Câu hỏi đặt ra là: có việc trục lợi hay không? Chính quyền địa phương đã vào cuộc làm rõ. Tại biên bản cuộc họp giữa các bên lập ngày 10/9 nói trên đã khẳng định: “Qua rà soát, đối chiếu các hợp đồng tài chính, hồ sơ sổ sách, hóa đơn tài chính, hóa đơn bán lẻ, biên nhận... do ban kiến thiết cung cấp đầy đủ, được ghi chép rõ ràng và minh bạch đảm bảo tính chính xác”.

Ý kiến của đại diện Đảng ủy – UBMTTQ xã tại cuộc họp một lần nữa nhấn mạnh: “Qua rà soát, đối chiếu số liệu thu – chi tài chính và các biên bản, hóa đơn tài chính, hóa đơn bán lẻ, các hợp đồng... do ban kiến thiết xây dựng chùa Đầu cung cấp, so sánh với sổ sách ghi chép, số liệu chính xác. Thường vụ Đảng ủy xã luôn tin tưởng vào số liệu của Ban kiến thiết xây dựng chùa Đầu, không có việc tham ô, trục lợi”. “Để có được ngôi chùa khang trang như hiện nay là do công sức các ông bà thành viên Ban kiến thiết”.

Cán bộ thôn không đủ tiêu chuẩn

Sự thực thì đã rõ. Như khẳng định của chính quyền xã Phụng Công: hoàn toàn không có việc tham ô, trục lợi trong quá trình vận động, xây dựng chùa Đầu. Thế nhưng, những ác ý, những thông tin không đúng sự thật thì lại đã gây ra nhiều hệ lụy. Không chỉ những người có công bị tiếng oan mà nguy hiểm hơn là nó gây xáo trộn sự bình yên, gây mất đoàn kết trong một bộ phận người dân làng Đầu, ảnh hưởng đến an ninh và công tác tôn giáo tại địa phương.

Ai là người đã tung tin đồn nhảm? Họ tạo dựng với mục đích và ý đồ gì? Nếu động cơ không trong sáng, gây chia rẽ khối đoàn kết trong nhân dân thì rất cần phải được xử lý triệt để. Thế nhưng, dường như chính quyền địa phương đã thiếu sâu sát, thậm chí có biểu hiện của việc “đánh trống bỏ dùi”.

Minh chứng là: nhiều vấn đề đã nảy sinh từ đầu năm 2020, địa phương đã được báo cáo nhưng 7-8 tháng không có biện pháp giải quyết. Trong nội dung kết luận cuộc họp ngày 10/9 đã yêu cầu: Quân dân chính thôn Đầu có trách nhiệm tổ chức hội nghị 3 bên để bàn giải quyết và tháo gỡ; tổ chức hội nghị quân dân chính mở rộng thông báo thông tin rộng rãi kết quả buổi làm việc để lan tỏa tới nhân dân...Thế nhưng đến nay đã gần 1 tháng trôi qua, các chỉ đạo trên đều chưa được thực hiện.

Hình ảnh trên mạng xã hội về buổi hầu đồng có sự tham gia của ông Phước


Quá trình tìm hiểu, Báo PLVN còn nhận được đơn thư tố cáo liên quan đến các cán bộ mới của thôn Đầu. Một số cán bộ thôn Đầu có những lời lẽ, hành động không mang tính xây dựng, thậm chí tại cuộc họp dân ngày 10/2/2020, ông Trưởng thôn Tô Xuân Chất còn có phát ngôn không đúng mực.

Chưa dừng ở đó, theo phản ánh, trong đội ngũ cán bộ tại thôn Đầu, nhiều thành viên không đủ uy tín, không đủ tiêu chuẩn nhưng lại được đề cử, được bầu vào cấp ủy tại Chi bộ khiến nhiều người dân phải lên tiếng.

Cụ thể, đối với trường hợp ông Lê Hữu Phước là Chi ủy viên, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Đầu lại là người có nhiều “vấn đề” khiến dư luận tại địa phương chưa đồng tình. Bản thân ông Phước là đảng viên nhưng lại không gương mẫu, chấp hành các chủ trương của Đảng, qui định của pháp luật. Trong quá trình Nhà nước thu hồi đất để phục vụ dự án tại địa phương vào năm 2004, gia đình ông Phước đến nay vẫn chưa chấp hành.

Không những thế, thời gian gần đây trên mạng xã hội còn xuất hiện một đoạn video ghi lại hình ảnh một buổi hầu đồng, sau khi xem đoạn video đó, nhiều người khẳng định việc hầu đồng này được tổ chức tại nhà cha đẻ của ông Phước (căn nhà xây lấn chiếm đất công), còn ông Phước là người ngồi hầu dâng lễ trong toàn bộ quá trình hầu đồng được quay lại đó.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Sáng (Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Công) xác nhận sự việc gia đình ông Phước có xây dựng lấn chiếm đất công và đến nay vẫn là một trong những hộ chưa chấp hành chủ trương trong việc thu hồi đất để phục vụ dự án trên địa bàn. Còn về hình ảnh ghi lại cảnh hầu đồng được cho là có sự tham gia của ông Phước, ông Sáng đã tiếp nhận sự việc và sẽ báo cáo lại Bí thư Đảng ủy xã để có phương hướng xử lý cụ thể.

Những vấn đề tại xã Phụng Công đang rất cần Huyện Ủy, UBND huyện Văn Giang và các cơ quan của tỉnh Hưng Yên vào cuộc, xác minh, làm rõ, không để người tốt bị hàm oan, nhưng cũng không để những người xấu tự tung, tự tác. Có như vậy, khối đoàn kết của người dân mới thực sự được bảo vệ, giữ vững.

Nam Giang / Câu chuyện Pháp luật/Pháp luật Việt Nam

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X