Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Friday, November 27, 2020 , 0 bình luận

Hiện nay, cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận đang diễn ra rất quyết liệt, các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá, hòng phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin. Vì vậy, nghiên cứu, khẳng định những cống hiến to lớn của Ph. Ăngghen trong đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch để vận dụng vào bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác là vấn đề có ý nghĩa quan trọng; việc làm thiết thực kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Ông (28/11/1820 - 28/11/2020).

Bóc mẽ một số luận điệu vu khống, bịa đặt trước thềm đại hội Đảng

Tỉnh táo trước luận điệu xuyên tạc chuyện 'từ thiện', hạ thấp vai trò Đảng, Nhà nước

Vụ tố gỡ bài tiền tỉ: Bộ 3 nhân vật đã xuất hiện ở Huế để nắm thông tin xét xử vụ bác sĩ Phương (cập nhật diễn biến vụ án)

Đối tượng Nguyễn Thị Minh Nguyệt đã đến làm việc tại cơ quan an ninh điều tra 

Chương trình Đối diện tháng 11: Ngăn chặn luận điệu xuyên tạc về đất nước

'Tiêu chuẩn kép' và tự mâu thuẫn!

Sinh thời, Ph. Ăngghen đã cùng C. Mác và những đồng chí khác luôn đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng để chống lại các khuynh hướng cải lương và biệt phái, nhằm thống nhất về nhận thức và hành động của Quốc tế Cộng sản. Điển hình là, Ph. Ăngghen đã kiên quyết chống lý luận xã hội chủ nghĩa không tưởng của giai cấp tiểu tư sản là “chủ nghĩa Đuyrinh” chỉ dựa trên cơ sở triết học chiết trung chủ nghĩa và kinh tế học tầm thường, với cái gọi là “chân lý tuyệt đỉnh, cuối cùng” đòi thay thế cho chủ nghĩa Mác. Bằng cơ sở khoa học và tinh thần cách mạng tiến công, dũng cảm, Ph. Ăngghen đã viết tác phẩm “Chống Đuyrinh”, nhằm bác bỏ toàn bộ thứ lý luận của Đuyrinh trên cả ba phương diện: Triết học, Kinh tế chính trị học và Chủ nghĩa xã hội. Nhờ đó, Ph. Ăngghen đã thành công trong đấu tranh chống lại mưu đồ của Đuyrinh xuyên tạc, hạ thấp vai trò của C. Mác và học thuyết Mác trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế; bộ mặt “giả khoa học”, “giả cách mạng” của Đuyrinh bị vạch trần, Đuyrinh bị Bộ Giáo dục Đức bãi chức giảng viên với lý do “đã bôi nhọ trường và chức danh giáo sư đại học”.


Ph. Ăngghen (1820 - 1895)

Sau khi C. Mác qua đời (14/3/1883), Ph. Ăngghen đã đem hết nghị lực, trí tuệ, tiếp tục sự nghiệp cách mạng mà Ông và C. Mác theo đuổi, kiên quyết đấu tranh bác bỏ những mưu toan “giáo điều hóa” học thuyết của C. Mác và “coi thường” sự tiến bộ của khoa học hiện thực, những điều kiện lịch sử mới và những nhu cầu xã hội mới nảy sinh. Từ năm 1870 đến năm 1890, các quan điểm cải lương và chủ nghĩa cơ hội hình thành, phát triển mạnh mẽ trong phong trào công nhân. Điển hình như: ở Đức, chủ nghĩa cơ hội trong Đảng Dân chủ xã hội Đức do Vollmar cầm đầu, mưu toan phủ nhận học thuyết của Mác về đấu tranh giai cấp và cách mạng vô sản, cổ vũ tư tưởng “xã hội hiện đại đẻ ra chủ nghĩa xã hội”, với ý đồ biến đội tiên phong của giai cấp vô sản thành đảng của tiểu tư sản.  Pháp, hình thành thêm Đảng Công nhân của J.Guesde, thổi phồng tác dụng của đấu tranh nghị trường, nêu quan điểm lợi dụng bầu cử để đi lên chủ nghĩa xã hội. Ở Anh, Liên đoàn Dân chủ xã hội do Hyndman thoái hóa trở thành công cụ trong tay các phần tử vô chính phủ; Liên minh

mới do những người mác-xít sáng lập và Công đảng độc lập bị phái Phabien thuần phục, câu kết với Đảng Tự do tư sản, v.v. Trong khi đó, nhiều lãnh tụ của các đảng công nhân không nhận thấy sự nguy hại, không đấu tranh phê phán, chống chủ nghĩa cải lương, cơ hội, thậm chí còn vào hùa với họ. Vì vậy, để bảo vệ chủ nghĩa Mác, thúc đẩy phong trào công nhân phát triển, Ph. Ăngghen đã phân tích, vạch rõ nguyên nhân ra đời, bản chất, biểu hiện cụ thể và tác hại của chủ nghĩa cải lương, cơ hội; đồng thời, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa này. Ông chỉ rõ nguyên nhân sâu sắc từ kinh tế, là do sự phụ thuộc lợi ích kinh tế của giai cấp công nhân vào giai cấp tư sản. Nguyên nhân về chính trị, là do sự đàn áp tàn khốc của giai cấp tư sản, làm cho một bộ phận trong phong trào công nhân sợ hãi, thui chột ý chí đấu tranh. Giai cấp tư sản dùng chiêu bài thỏa hiệp, nhượng bộ một số lợi ích nào đó, làm cho giai cấp vô sản có ảo tưởng sẽ giành thắng lợi bằng con đường hòa bình; chúng tạo ra trong phong trào công nhân và đảng công nhân một mặt trận tư sản, núp dưới chiêu bài ủng hộ chủ nghĩa Mác, nhưng dùng phương pháp xuyên tạc, cắt xén, sửa đổi tùy tiện để phù hợp với nhu cầu, lợi ích của giai cấp tư sản; lấy danh nghĩa đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhưng thực tế là bảo vệ quyền lợi cho giai cấp tư sản. Ph. Ăngghen kết luận: bản chất của chủ nghĩa cải lương, cơ hội là quan điểm tư sản, các phần tử cải lương, cơ hội chủ nghĩa là cái đuôi của giai cấp tư sản; chủ nghĩa cơ hội là “nguy hiểm hơn hết cả”1.

Năm 1889, khi phái vô chính phủ, đại diện là M. Bacunin quay trở lại, gây ảnh hưởng trong Quốc tế II và xây dựng nên lập trường tư tưởng công khai đối lập với chủ nghĩa Mác, ngay lập tức, Ph. Ăngghen và các cộng sự trong Quốc tế II đã kiên quyết đấu tranh đoạn tuyệt với chủ nghĩa vô chính phủ, bảo vệ những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và mục tiêu lý tưởng cộng sản, làm cho giai cấp công nhân hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa vô chính phủ trong phong trào công nhân, mà nòng cốt của nó là tầng lớp “vô sản lưu manh”, một trong những tầng lớp “bên dưới nhất trong xã hội cũ”2. Với tư tưởng đúng đắn, khoa học, cách mạng và sự đấu tranh kiên quyết của Ph. Ăngghen, tại Đại hội lần thứ IV ở Luân Đôn (năm 1896), mặc dù Ông đã qua đời, nhưng quan điểm của Ông đối với chủ nghĩa vô chính phủ vẫn tiếp tục được những người cộng sản chân chính duy trì. Nghị quyết Đại hội nêu rõ: chỉ những tổ chức công nhân thừa nhận sự cần thiết của hoạt động nghị trường mới được tham gia đại hội. Với nghị quyết này, những tư tưởng không dứt khoát với lực lượng vô chính phủ đã bị đẩy ra khỏi Quốc tế II. Cùng với đấu tranh chống lại quan điểm sai trái, đối lập, thù địch dưới mọi sắc thái khác nhau để bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác, Ph. Ăngghen đã chỉnh lý, biên tập và cho xuất bản Quyển II, Quyển III bộ Tư bản của C. Mác. Những việc làm của Ông đã “dựng cho người bạn thiên tài của mình một đài kỷ niệm nghiêm trang, trên đó không ngờ cũng khắc luôn cả tên mình bằng những chữ không bao giờ phai được” và đã trở thành “một cây vĩ cầm thứ hai, bên cạnh Mác”3. Điều đó thể hiện sự thống nhất tuyệt đỉnh về suy nghĩ và hành động của hai lãnh tụ vô sản, suốt đời đấu tranh cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Ngày nay, thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tập trung tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, “đồng thanh” phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cá biệt, một số đối tượng cơ hội chính trị, bất mãn, cực đoan, đang được thụ hưởng thành quả cách mạng do Đảng và nhân dân ta mang lại, nhưng lại bí mật cấu kết với những phần tử phản động, thù địch để mưu cầu lợi ích cá nhân. Rất thâm độc, chúng đưa ra luận điệu đòi tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với học thuyết Mác - Lênin, nhằm phủ nhận nguồn gốc lý luận của tư tưởng Hồ Chí Minh; thực chất là để phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin và cũng phủ định chính ngay tư tưởng Hồ Chí Minh, tiến tới phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Ph. Ăngghen trong đấu tranh để bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác, Đảng ta xác định: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân”4. Vì vậy, để đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch theo tinh thần đấu tranh của Ph. Ăngghen, cần quán triệt, thực hiện một số vấn đề cơ bản sau:

1. Nhận diện rõ chủ thể của quan điểm sai trái, phản động, thù địch để có phương thức đấu tranh, phê phán phù hợp. Qua nghiên cứu cho thấy, chủ thể của các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay thường thể hiện ở các dạng, là: kẻ thù giai cấp; kẻ thù cách mạng; kẻ phản bội cách mạng; kẻ a dua, hoang tưởng về chính trị. Trong đó, mỗi đối tượng cần có biện pháp, nội dung đấu tranh cụ thể. Các cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để có biện pháp khắc phục hiệu quả; coi đó là giải pháp quan trọng, “miễn nhiễm” với các luận điệu chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.

2. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự thống nhất, quyết tâm cao cho cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị. Phải thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cơ sở, lý luận thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta vận dụng, phát triển sáng tạo trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay. Từ đó, nâng cao trách nhiệm, sức đề kháng, chủ động đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên internet, mạng xã hội; làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội.

3. Phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng, phương tiện. Tham gia cuộc đấu tranh này là trách nhiệm chính trị của các cấp, các ngành, không phải là công việc, nhiệm vụ của riêng ai; trong đó, phát huy cao nhất trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, trước hết là người đứng đầu. Để có hiệu quả, cần phải xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, lực lượng chuyên trách theo hướng tinh, gọn, đủ mạnh; được bồi dưỡng toàn diện để họ trở thành những “chuyên gia” giỏi về lý luận, những cây “bút chiến” sắc bén. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của lực lượng tác chiến không gian mạng, an ninh mạng; chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp thông tin, cập nhật nội dung, trang bị phương tiện, công nghệ đấu tranh cho lực lượng này, bảo đảm không để “khoảng trống” thông tin; áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết, thích hợp để phòng ngừa, nhận diện, phát hiện, ngăn chặn và gỡ bỏ thông tin xấu độc, v.v. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch theo hướng chủ động, có tính thuyết phục cao, hấp dẫn; tạo dư luận xã hội tích cực, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy thông tin tích cực, đẩy lùi thông tin tiêu cực”.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là cách thiết thực kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Ph. Ăngghen. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị, không nôn nóng, chủ quan, không để xảy ra “bệnh” thành tích và hình thức trong quá trình thực hiện.

Đại tá, TS. HÀ ĐỨC LONG, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng/TCQPTD
_______________

1 - C. Mác và Ph. Ăngghen – Toàn tập, Tập 22, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 346.

2 - Sđd, Tập 4, H. 1995, tr. 610.

3 - V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 2, Nxb Tiến bộ, M. 1974, tr. 12.

4 - Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X