Không ai xa lạ gì với việc các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị lâu nay vẫn thường lợi dụng việc cổ súy cho xã hội dân sự để thực hiện âm mưu chiến lược lâu dài “diễn biến hòa bình”, đòi đa nguyên, đa đảng, song toan tính nguy hiểm này đang gia tăng trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Đàm Ngọc Tuyên cố tình tô vẽ những tên tội phạm xâm phạm an ninh Quốc gia thành các 'biểu tình viên'
Nguyễn Thúy Hạnh muốn Trần Huỳnh Duy Thức chết vì tuyệt thực trong tù
Nguyễn Lân Thắng 'già đời đấu tranh dân chủ' mà vẫn bị chửi là 'ngu'!
Chuẩn bị mở lại phiên tòa xét xử Trần Đức Thạch về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
Tạm hoãn xét xử hai facebooker chống phá Nhà nước
Vô pháp sao gọi là có... 'lý tưởng'?!
Lợi dụng “góp ý” để tung ra luận điệu chống phá
Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã công bố dự thảo các dự thảo Văn kiện đại hội để lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân nhằm tập hợp, phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của người dân trong tham gia hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách lãnh đạo quan trọng của Đảng đối với đất nước và sự nghiệp cách mạng, góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Thời gian qua, các tầng lớp nhân dân đã sôi nổi tham gia, có những ý kiến tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm, xây dựng đóng góp vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tuy nhiên, trong thời gian công bố các dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vừa qua đã thấy không ít những thông tin, luận điệu xuyên tạc, mập mờ gây hoài nghi để phủ nhận đợt sinh hoạt chính trị trọng đại, sâu rộng này của cả nước, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong đó có việc cổ súy, ca ngợi, hình tượng hóa vấn đề “xã hội dân sự”, yêu cầu Đảng ta phải có cơ chế để khuyến khích “xã hội dân sự” phát triển, coi đây là một chiêu bài để hiện thực hóa chiến lược “diễn biến hòa bình” tại Việt Nam.
Tiếng là “góp ý” song điều mà họ đưa ra lại là đòi hỏi như “trong nền chính trị Việt Nam hiện nay phải tồn tại các nhóm chính trị, các chính đảng khác nhau để đa dạng hóa đường lối cho nhân dân lựa chọn thông qua bầu cử tự do thì mới đảm bảo cho một nền dân chủ”. Cùng với đó, họ truyền bá, đề cao và tuyệt đối hóa tư tưởng “xã hội dân sự” của phương Tây nhằm gây áp lực dư luận xã hội đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
Họ tập trung tung ra luận điệu như đòi tuyệt đối hóa sự “độc lập” của các tổ chức “xã hội dân sự”, đòi thúc đẩy thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức “xã hội dân sự”. Dưới chiêu bài “bảo vệ sự dân chủ”, họ cho rằng cần có sự tách bạch một cách tuyệt đối giữa “công” và “tư”, giữa Nhà nước và xã hội dân sự. Thậm chí, có đối tượng còn đưa ra quan điểm cho rằng, các tổ chức “xã hội dân sự” chỉ cần hoạt động theo tôn chỉ, mục đích, thỏa thuận của những người lập ra nó mà không cần tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Khi ra sức tán dương tính ưu việt, sự dân chủ của “xã hội dân sự” để đánh lừa suy nghĩ và nhận thức của người dân, họ luôn tìm mọi cách để bệ vai trò của hệ thống chính quyền. Trong thời gian mưa lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề ở miền Trung thời gian qua, bất chấp thực tế là cả hệ thống chính trị, các lực lượng Công an, Quân đội đã vô cùng khẩn trương, tích cực tiến hành khắc phục hậu quả thiên tai, giúp đỡ, cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng, một số đối tượng vẫn phủ nhận vai trò của hệ thống chính quyền.
Các đối tượng này cố tình hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; rêu rao rằng các tổ chức “xã hội dân sự” hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với các cơ quan công quyền. Từ đó, các đối tượng kích động sự hoài nghi, thiếu niềm tin vào Đảng trong một bộ phận quần chúng.
Họ đặc biệt cổ súy quyền bày tỏ chính kiến không giới hạn và liên kết hình thành các tổ chức “độc lập” tham gia vào đời sống cộng đồng, thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Họ đòi lập các hội, nhóm với tên gọi, khẩu hiệu, tôn chỉ, mục đích kiểu như: “Hội phụ nữ nhân quyền”, “Hội nhà báo độc lập”, “Hội anh em dân chủ”… mà ai cũng đã thấy rõ là các tổ chức bất hợp pháp, hoạt động vi phạm pháp luật.
Núp bóng “xã hội dân sự” để chống phá
Tuy có nhiều cách tiếp cận nhìn nhận, đánh giá và quan niệm khác nhau về “xã hội dân sự” (civil society, có nguồn gốc từ phương Tây) tùy thuộc và mỗi giai đoạn lịch sử và những hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng giai đoạn lịch sử, nhưng về bản chất, xã hội dân sự là xã hội tự lập phi nhà nước, được hình thành và vận hành trong không gian công cộng và tư nhân, nằm ngoài vùng ảnh hưởng trực tiếp của yếu tố nhà nước. Về tổ chức, xã hội dân sự là một tổ hợp của các thiết chế chính trị - xã hội được hình thành một cách tự nguyện, độc lập, để có thể thảo luận, tranh luận với nhau; độc lập hoặc cùng nhau thảo luận, tranh luận với nhà nước về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội để tạo ra sự đồng thuận trong những vấn đề của đời sống xã hội đặt ra.
Tại Việt Nam, chúng ta không kỳ thị, không ngăn cản việc người dân lập hội, tham gia các tổ chức “xã hội dân sự”. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 đã ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Pháp luật cũng đã quy định các điều kiện cụ thể để thành lập một tổ chức xã hội dân sự, đó là phải xác định rõ tôn chỉ, mục đích, điều lệ của tổ chức; thành phần ban sáng lập, hội viên, nguồn tài chính để hoạt động và phương thức hoạt động…
Trong thực tế, hiện nay ở nước ta, bên cạnh các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, nhiều hội, tổ chức phi chính phủ đã và đang được thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân hoạt động công khai hợp pháp. Hiện có khoảng gần 400 hội đang hoạt động trên phạm vi cả nước, trên 600 tổ chức hội, đoàn đang hoạt động trên phạm vi các địa phương; hàng nghìn hiệp hội, câu lạc bộ hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh đó còn có khoảng trên 600 tổ chức phi chính phủ nước ngoài có quan hệ với Việt Nam, trong đó gần 400 tổ chức có các chương trình, dự án đang triển khai tại nước ta. Về cơ bản, các tổ chức “xã hội dân sự” đồng thuận trong xã hội, đóng vai trò tích cực trong tiến trình phát triển kinh tế văn hóa - xã hội.
Tuy nhiên, với mưu đồ gây rối và chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch, chống đối, cơ hội chính trị đang bóp méo, xuyên tạc, biến tướng vấn đề về “xã hội dân sự”, với toan tính sâu xa coi việc hình thành các tổ chức “xã hội dân sự” là bước đầu để tập hợp lực lượng, thai nghén, sản sinh ra các tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam ngay trong lòng đất nước. Núp dưới vỏ bọc “xã hội dân sự”, chúng thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tại Việt Nam; hình thành các hội nhóm, tổ chức để tập hợp lực lượng, tiến hành huấn luyện, đào tạo các phương thức hoạt động; tạo dựng lực lượng chống đối trong đất nước, tiến đến các cuộc bạo loạn lật đổ theo hướng “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”…
Cổ súy cho cái gọi là “xã hội dân sự”, nhưng thực chất điều đó nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên, đa đảng tại nước ta. Vạch trần bộ mặt thật của những luận điệu chống phá này, cũng là để chúng ta cảnh giác, tỉnh táo trước mọi giọng lưỡi và mưu đồ, toan tính xấu gây bất ổn đất nước chúng ta, chia rẽ dân tộc Việt Nam.
Hoàng Hà (ANTĐ)