Nhận diện đúng những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy đang tồn tại và những nguy cơ có thể gây ra sự bất ổn trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng có ý nghĩa thiết thực trọng trong đấu tranh, ngăn chặn những tác động tiêu cực của nó, góp phần quan trọng vào sự thành công của Đại hội.
BBC: Từ đoán mò, sốt ruột đến phát ngôn linh tinh!
Lại chiêu trò chống phá việc ban hành ‘Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng’
Thành quả đáng tự hào của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam
Vụ Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực: Lộ trò bỉ ổi của những kẻ khoác áo đấu tranh dân chủ
Thuật ngữ “chủ nghĩa dân túy” xuất hiện vào cuối những năm 80 của thế kỷ XIX để chỉ trào lưu xã hội theo khuynh hướng chủ nghĩa xã hội không tưởng nhằm ủng hộ nông dân và nhân danh nông dân đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của giai cấp thống trị và những bất công trong đời sống xã hội. Đến những năm đầu thế kỷ XXI, nhất là từ năm 2016 trở lại đây, những bất ổn về kinh tế - xã hội, tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế; cách mạng khoa học công nghệ; khó khăn trong giải quyết các chính sách xã hội đối với nông dân; tệ nạn quan liêu, tham nhũng và di dân tự do, di tản toàn cầu… là cơ hội thuận lợi để chủ nghĩa dân túy hồi sinh, phát triển mạnh mẽ, tạo ra những “cơn địa chấn” mới, thách thức nền chính trị của nhiều nước trên thế giới.
Ở Việt Nam, quan niệm và biểu hiện của chủ nghĩa dân túy thể hiện ở những thủ đoạn chính trị mang màu sắc “mị dân”, đánh vào tâm lý “người nông dân” và đám đông trong xã hội nhằm kêu gọi dân chúng đòi lại “quyền lợi chính đáng của mình”; gây dựng phong trào “nông dân yêu nước” nhằm lôi kéo nông dân, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận. Chủ thể biểu hiện chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam là những cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động chính trị xã hội có quan điểm không tương đồng với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Thông qua lời nói, việc làm mang tính “mị dân”, “thân dân”, họ cố tình lôi kéo triệt để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận xã hội và bộ phận quần chúng nhân dân để thực hiện mục đích chính trị.
BBC luôn cố lèo lái 'nhân sự Việt Nam' bằng các chiêu võ đoán... (ảnh Hải Anh)
Lợi dụng yêu cầu xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng để xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng. Những người theo chủ nghĩa dân túy có quan điểm “lập lờ nước đôi”, không phủ nhận “sạch trơn”, không thừa nhận chân lý, cũng không tạo ra thế đối lập hoàn toàn với Đảng mà sử dụng chiêu trò “ca ngợi” Đảng một cách “khôn khéo” nhưng về thực chất, họ cố tình chống Đảng, tìm mọi cách làm sai lệch bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng. Họ chủ tâm tách biệt hoàn cảnh lịch sử, điều kiện vận dụng của Việt Nam để ngụy biện, rằng những nguyên lý, quan điểm cơ bản chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ đúng một phần, hoặc đúng trong quá khứ, không đúng trong hiện tại, đúng ở phương Tây, không đúng ở Việt Nam, v.v. Cùng với đó, họ ra sức xuyên tạc, bôi nhọ đời tư của C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin, Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng nhằm hạ thấp danh dự, uy tín, vai trò, công lao cống hiến của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin đối với cách mạng thế giới.
Thực hiện mục đích pha loãng bầu chính trị trước thềm Đại hội XIII, họ cố tình tuyên truyền các luận điệu “điệp khúc” quen thuộc: Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam là không phù hợp với xu thế thời đại; sai lầm của Đảng trong lựa chọn mô hình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam - một nước có hơn 75% dân cư là nông dân; phủ nhận tính khả thi về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu, chủ trương, giải pháp lãnh đạo trong dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII để xuyên tạc, phủ nhận đường lối, quan điểm của Đảng. Việc làm của họ là chủ tâm tác động vào đời sống tâm lý, niềm tin của nhân dân, thu hút sự theo dõi, ủng hộ của các phần tử bất mãn, chống đối, cơ hội chính trị và quảng đại quần chúng nông dân với hy vọng nhân dân sẽ mất phương hướng chính trị, “tự diễn biến”; “tự chuyển hóa” trong nội bộ diễn ra nhanh hơn. Nhờ đó, có thể phá vỡ khối đại đoàn kết thống nhất giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, gây mất ổn định chính trị xã hội… cản trở thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lợi dụng đóng góp ý kiến của nhân dân vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng để xuyên tạc, chống phá Đảng. Được sự hà hơi, tiếp sức của các thế lực thù địch, phản động, thông qua mạng xã hội, các kênh thông tấn, báo chí ở nước ngoài và các trang Website, Blog trong nước, những người theo chủ nghĩa dân túy ra sức tuyên truyền, tác động vào tâm lý, nhận thức, tư tưởng của nhân dân ta nhằm “nắn dòng dư luận”, cổ súy, khuyếch trương những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên để can dự, tác động sâu vào quá trình tham gia đóng góp ý kiến Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Thông qua việc lập một số hội, nhóm với những tên gọi “mỹ miều”, như: “Diễn đàn dân chủ tiến bộ”, “Hội anh em dân chủ”, “Hội nhà báo độc lập”,... để đề xuất các “Thư ngỏ”, “Tâm thư”, “Bản kiến nghị, trao đổi”, “Ý kiến đóng góp”, hoặc tán phát các tài liệu mạo danh, nặc danh các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, các chuyên gia, nhà khoa học, chính khách có uy tín trong và ngoài nước dưới danh nghĩa “đại diện nhân dân”, vì “giai cấp nông dân Việt Nam”…, góp ý cho Đảng, nhưng thực chất là chống phá Đảng, phủ nhận Dự thảo các văn kiện của Đảng. Đồng thời, móc nối, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo và sử dụng những phần tử thoái hóa, biến chất, cơ hội chính trị nhằm xuyên tạc, công kích, chia rẽ, chống phá từ bên trong. Họ thường chỉnh sửa làm sai bản chất những nhận định, đánh giá về thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và cường điệu hóa những tồn tại, hạn chế trong Dự thảo các văn kiện để quy kết cho sự yếu kém trong thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân vào Đảng và cổ súy tư tưởng “đổi mới, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, v.v.
Chính trị hóa các vấn đề kinh tế - xã hội để kích động, lôi kéo một bộ phận dân chúng, gây áp lực cho Đảng trước thềm Đại hội. Lợi dụng danh nghĩa “đại diện nhân dân”, “vì giai cấp nông dân Việt Nam”, những người theo chủ nghĩa dân túy có những phát ngôn “sặc mùi” mị dân khi giải quyết các vấn đề “nóng”, nhạy cảm, bức xúc trong xã hội liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, an sinh xã hội, đất đai, xây dựng nông thôn mới, tôn tạo cơ sở thờ tự, giao thông, giáo dục, môi trường, thiên tai, dịch bệnh, Biển Đông,... nhằm gây sự chú ý của dư luận, lấy lòng dân, kích động, “dẫn dắt dư luận”, tập hợp lực lượng đấu tranh “vì giai cấp nông dân Việt Nam”, như một xu hướng chính trị. Chủ động móc nối với cán bộ, đảng viên có biểu hiện “Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc nghỉ hưu” làm đại diện, người phát ngôn của “nhân dân” nhằm đánh lừa dư luận, lôi kéo lực lượng, làm phức tạp hóa vấn đề, gây khó khăn cho tổ chức đảng, chính quyền và cơ quan chức năng. Từ đó, đặt ra những điều kiện phi lý để mặc cả, gây sức ép, tạo sự đối kháng với tổ chức đảng và chính quyền các cấp .
Thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nhằm chia rẽ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Các phần tử theo khuynh hướng dân túy thường triệt để lợi dụng, khai thác “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn” để lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc những người dân nhẹ dạ cả tin tham gia chống phá trực tiếp vào “vấn đề cấp bách đối với sự sống còn của Đảng, của chế độ” từ bên trong. Họ chủ mưu tác động, lôi kéo, sử dụng một số cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên xuất thân từ nông dân, có biểu hiện “… thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân” để gây rối quá trình chuẩn bị và tổ chức Đại hội.
Để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy trước thềm Đại hội XIII của Đảng, cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
Trước hết, quán triệt và khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tổ chức đảng các cấp quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; tích cực kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tích cực, chủ động đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với nhân dân, nhất là thế hệ trẻ và nông dân nhằm nâng cao “sức đề kháng” về tư tưởng chính trị, đủ khả năng nhận diện, chủ động đấu tranh, phản bác các biểu hiện chủ nghĩa dân túy.
Hai là, Định hướng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận diện, đấu tranh với những biểu hiện theo chủ nghĩa dân túy. Cần có đối sách, biện pháp đấu tranh phù hợp, hiệu quả để kịp thời ngăn chặn những đối tượng lợi dụng chính sách nhân đạo, nhân văn của Đảng, Nhà nước ta để cấu kết, móc nối các phần tử có quan điểm đối lập, tập hợp lực lượng với danh nghĩa “hòa hợp dân tộc”, “công dân quốc gia”, “kiều bào yêu nước”,… muốn đóng góp công sức xây dựng đất nước, nhưng thực chất là chống phá Đảng, Nhà nước. Vì vậy, cần tiến hành các biện pháp về tâm lý, giáo dục, thuyết phục để đấu tranh, ngăn chặn, cảm hóa, lôi kéo họ trở về với dân tộc, đóng góp cho đất nước phù hợp với chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng. Cùng với đó, cần nghiên cứu, nắm rõ năng lực, sở trường của từng cá nhân và huy động lực lượng, phương tiện hiện có với những luận cứ, luận chứng sắc bén, thuyết phục, kết hợp giải pháp công nghệ hiện đại để phong tỏa, chỉ rõ nhân thân, âm mưu, thủ đoạn, động cơ, mục đích sự chống phá Đảng để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu bản chất của chủ nghĩa dân túy.
Ba là, nêu cao trách nhiệm, trí tuệ, đoàn kết, thống nhất, đảm bảo cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp. Quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW ngày 18/10/2019 của Ban Tổ chức Trung ương về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đề cao tinh thần, trách nhiệm của các đại biểu trong chuẩn bị nội dung đại hội, bảo đảm đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra, nhất là chuẩn bị nội dung báo cáo chính trị và công tác nhân sự. Đây là những vấn đề then chốt mang tính quyết định thành công Đại hội. Dành thời gian thỏa đáng để thảo luận Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng bảo đảm dân chủ, kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả, tránh qua loa, hình thức; các ý kiến khác nhau cần thảo luận một cách kỹ lưỡng và đi đến thống nhất trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, đoàn kết, xây dựng. Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử phải thực hiện đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm yêu cầu về chất lượng, số lượng và cơ cấu. Trong đó, chú trọng bầu những người có đức, có tài, có uy tín, có khả năng phát triển tốt thông qua hoạt động thực tiễn. Đồng thời, sáng suốt và kiên quyết sàng lọc, không để lọt những người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, lối sống, uy tín… vào Ban Chấp hành khóa mới.
Bốn là, xây dựng tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên vững mạnh về mọi mặt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Xây dựng tổ chức đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng đội ngũ đảng viên có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là vấn đề vừa mang tính cấp thiết, vừa mang tính chiến lược, tạo cơ sở vững chắc trong đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện của chủ nghĩa dân túy chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ. Các tổ chức đảng, từng đảng viên phải luôn kiên định vững vàng, không ngừng học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới và Chỉ thị số 05/CT-TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tổ chức đảng, đảng viên cần quán triệt và nhận diện đúng 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với đấu tranh tự phê bình và phê bình ở cấp mình. Bởi, trong các biểu hiện ấy, có biểu hiện manh nha của chủ nghĩa dân túy. Chú trọng xây dựng và thực hiện hệ thống chuẩn mực các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng và nhân dân. Tích cực, chủ động đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng gắn với thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đề cao công tác kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật nhằm giữ vững kỷ cương, nguyên tắc, hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo của tổ chức đảng trong phát hiện, xử lý vi phạm kỷ luật và các biểu hiện dân túy ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị, tiến hành Đại hội Đảng; không để phát sinh các vấn đề mới, phức tạp về chính sách đối với nông dân, nông thôn và nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới.
Chủ nghĩa dân túy ở nước ta mới chỉ biểu hiện dưới dạng phát ngôn, hành động mang tính mị dân, lôi kéo nông dân của một số người, chưa phát triển thành một hệ thống lý luận, nhưng bản thân nó đang chứa đựng tính đối kháng tư tưởng và sự nguy hại ngày càng hiện hữu hơn khi các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị lợi dụng, cổ súy, cấu kết thành lực lượng đối lập để chống phá Đảng, chế độ. Điều đó sẽ rất nguy hiểm, nếu để nó bùng phát thành xu thế, cao trào. Vì vậy, chúng ta phải nêu cao cảnh giác, chủ động đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, không để những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy trở thành “vi rút độc” gây “ô nhiễm” đời sống chính trị, đe dọa đến sự thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Thượng tá, TS. THÁI DOÃN TƯỚC, Phó trưởng Phòng Khoa học Quân sự, Cơ quan Tổng cục Chính trị và Trung tá, ThS. THÁI DOÃN HÙNG, Trường Sĩ quan Pháo binh/Tạp chí Quốc phòng toàn dân