Chỉ sau hơn một ngày đăng tải trên kênh Trực Diện TV, video clip có nhan đề “Việt Nam liên tiếp lập kỷ lục mới về xuất khẩu, trong đó tăng trưởng doanh nghiệp nội địa tăng cao” do ông Minh Giang - người Mỹ gốc Việt thực hiện, đã thu hút hàng nghìn lượt xem cùng rất nhiều ý kiến bày tỏ sự vui mừng, ủng hộ, đồng thời khẳng định đây là thành quả đáng tự hào của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Xin lược ghi các ý kiến trong video clip này để giới thiệu cùng bạn đọc.
Vụ Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực: Lộ trò bỉ ổi của những kẻ khoác áo đấu tranh dân chủ
Trong năm 2020, nền kinh tế của Việt Nam có khá nhiều điểm bất ngờ khi mà tỷ lệ xuất, nhập khẩu lẽ ra phải thấp hơn so với các năm trước đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam lại đạt kỷ lục mới, ước tính khoảng 19,1 tỷ USD. Ðây là con số chưa bao giờ có trong lịch sử. Thật ra, đối với nền kinh tế của Việt Nam với 100 triệu dân thì sự quản lý đất nước đã khác hơn so với thời gian trước rất nhiều, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa hết sức thông thoáng và có khá nhiều hiệp định thương mại mới được ký kết, bắt đầu có hiệu lực, cũng như đang từng bước được triển khai một cách hiệu quả. Những tiêu chí lớn, tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe hơn của thế giới đang được tiếp cận vào Việt Nam, và có thể nói với độ mở gấp tới hai lần thì đây là một thách thức. Bởi trước kia trong một nền kinh tế còn không ít khó khăn, hạn chế, Việt Nam phải ra bên ngoài với tư cách là thăm dò hoặc cầm chừng thì bây giờ điều đó không còn nữa và Việt Nam càng lúc càng hội nhập hơn. Xu thế đó đòi hỏi cung cách hoạt động cũng phải khác đi.
Có thể nói trong năm 2020, vai trò của nhóm FDI (đầu tư trực tiếp của nước ngoài) tại Việt Nam chiếm tỷ trọng xuất khẩu rất lớn. Nhưng điều đáng mừng là trong năm nay, tốc độ xuất khẩu của nhóm ngoài FDI cũng có sự tăng trưởng cao, lên đến hơn 13% (nhóm FDI tăng trưởng chừng 5%). Ðó là nói về tốc độ chứ không nói về số lượng, vì nếu xét số lượng kim ngạch xuất khẩu thì nhóm doanh nghiệp FDI vẫn giữ vị trí chủ đạo ở Việt Nam (chiếm khoảng 80%), còn các công ty trong nước chỉ chiếm chừng 20%. Tuy nhiên, việc tăng trưởng so với năm trước đạt 13% của các công ty trong nước là rất đáng phấn khởi vì nếu tốc độ đó càng tăng cao thì sẽ tạo nên một hiệu ứng rất tích cực. Ðã có người đánh giá rằng, ở Việt Nam giờ chủ yếu sống bằng đồng vốn của nước ngoài, công nghệ nước ngoài, các giá trị xuất khẩu đó là ảo, không phải là thực tế, không thể hiện được nội lực của Việt Nam. Song nếu nhìn trên thực tế, chúng ta thấy điều đó không phản ánh đúng tình hình, chưa kể các khu vực nội địa này phát triển sẽ tạo nên một sự lan tỏa, sẽ kéo theo sự phát triển của nhiều khu vực khác. Như vậy có thể thấy không chỉ đơn thuần trong nhóm các doanh nghiệp nội địa mà Việt Nam còn phát triển tốc độ cao lên như thế, tạo ra một xu hướng, mà ngay cả đồng vốn FDI vào Việt Nam cũng có một sự lan tỏa khi mà tỷ lệ nội địa hóa càng lúc càng được nâng cao. Theo năm tháng, việc chuyển giao công nghệ hoặc sự hợp tác đầu tư sẽ tạo ra một sự san sẻ, kéo những khu vực khác tăng trưởng theo. Với lĩnh vực nông nghiệp cũng vậy. Nông nghiệp của Việt Nam được xác định là một thế mạnh, nhất là trong những lúc khó khăn, trong điều kiện nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, thiên tai... cũng như điều kiện khó khăn chung của kinh tế thế giới thì sự phát triển của nông nghiệp là một yếu tố rất quan trọng. Trong nông nghiệp, năm 2019 Việt Nam có tỷ lệ xuất khẩu lên tới 41,3 tỷ USD (tăng khoảng 3,2% so với năm 2018), chiếm xấp xỉ một phần sáu tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2019. Bước sang năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng tăng rất đáng kể, và chiếm lĩnh được thị trường của thế giới, nhất là thị trường gạo giá cao. Ðiều này xóa đi những thông tin nói rằng, Việt Nam sản xuất lúa gạo với sản lượng xếp hạng nhì thế giới nhưng chỉ bán ra bên ngoài với giá rất thấp và còn bị các nước khác mua lại, rồi họ làm mới lại sản phẩm gạo của Việt Nam để bán ra với giá cao hơn. Trong năm 2020, Việt Nam đã khắc phục và làm rất tốt điều này, nâng cao được giá gạo xuất khẩu. Ðể làm được như vậy, cần có sự hiểu biết hơn về vấn đề gia nhập vào thị trường chung, tăng cường sự hiểu biết... Ðồng thời có những cuộc tiếp xúc, tham gia các hội chợ, cũng như sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành và chính quyền, như Bộ Ngoại giao, các cơ quan thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng nhiều cơ quan khác nữa. Những chuyến giao lưu, những chuyến đi tiếp thị và những cuộc hội thảo đã tạo cơ hội đưa hàng hóa của Việt Nam đến các thị trường khác với giá cả đúng với phẩm chất của nó. Những điều này cho thấy ngành nông nghiệp vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam...
Năm 2020, Việt Nam xuất siêu được 19,1 tỷ USD, nếu so với một số nước khác có thể đây chỉ là con số còn khiêm tốn, nhưng chúng ta cần phải xem xét trong bối cảnh của Việt Nam. Năm 2015 trở về trước, xuất khẩu của Việt Nam rất thấp. Giai đoạn đó, Việt Nam là một nước nhập siêu chứ không phải là một nước xuất siêu. Nhưng từ năm 2016 đến nay, chúng ta thấy trong cán cân thương mại của Việt Nam giữa tỷ lệ xuất khẩu và nhập khẩu tiếp tục điều chỉnh theo hướng xuất khẩu tăng và có thặng dư, các kỷ lục xuất siêu được thiết lập, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2019, Việt Nam xuất siêu đạt 9,1 tỷ USD, đó cũng là một kỷ lục năm. Tuy nhiên năm nay còn gấp hai lần số đó. Có thể nói rằng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 ước tính lên tới 543,9 tỷ USD, đó là một con số rất lớn. Trong lịch sử kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chưa bao giờ đạt tới mức như thế. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 516,96 tỷ USD cũng đã là một cột mốc rất quan trọng và bây giờ tiếp tục tăng hơn nữa. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều ngành nghề của Việt Nam bị ảnh hưởng rất nặng nề, nhưng trong sản xuất, xuất khẩu, nhịp độ tăng trưởng của Việt Nam là rất đáng tự hào, không chỉ vẫn giữ được các chỉ số kinh tế, mà còn giúp cho Việt Nam có vị thế quan trọng trong các nước đang phát triển. Theo Bộ Công thương, những cuộc xúc tiến, tạo ra các diễn đàn để đưa nền kinh tế Việt Nam tiếp cận tới các thị trường thế giới sẽ được tiến hành thường xuyên, và sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng đa dạng hơn trước kia. Hàm lượng xuất khẩu sản phẩm thô của Việt Nam giờ đang ngày càng có xu hướng giảm đi, ngược lại Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu hàng hóa đã qua chế biến với những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Khối doanh nghiệp trong nước có giá trị xuất khẩu tăng lên rất nhanh, đạt hơn 19% so với năm trước. Ðó là điều khá bất ngờ và rất quan trọng đối với nền kinh tế vì cho thấy sự phát triển thực chất và tạo ra sự vững bền. Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa cũng đa dạng, từ 23 mặt hàng năm 2015 đã lên tới 32 mặt hàng năm 2019 và việc Việt Nam trở thành nước xuất siêu đã biến điều này trở thành một mãnh lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam giữ được đà tăng trưởng GDP. Ngay cả trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa xuất khẩu gạo đạt mức cao, lên tới ba tỷ USD. Ðó là điều mà từ trước tới nay chưa bao giờ có. Ðặc biệt, với việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định quan trọng như CPTPP (Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU), EVIPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU) chúng ta phải hiểu các "tuyến đường" đó giống như xa lộ. Ðiều đó cho thấy những yếu tố cản trở việc tăng trưởng hoặc kìm hãm sự phát triển kinh tế của đất nước sẽ bị loại bỏ. Và ngay cả trong môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư cũng phải cải thiện hơn, hay các khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hành chính cũng từng bước phải loại bỏ, hệ thống logistics (dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa tối ưu nhất từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng) phải giảm các chi phí bằng cách hiện đại hóa hay tự động hóa và kêu gọi đầu tư nhiều hơn nữa… Ngành công nghiệp hỗ trợ cũng được nâng cao hơn. Cách đây 10 năm, chúng ta nghe nói Việt Nam chưa thể phát triển được công nghiệp hỗ trợ thì hiện nay Samsung đã đặt vấn đề hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực này và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang bắt nhịp với nền sản xuất hiện đại. Ðể công nghiệp hỗ trợ phát triển, đáp ứng được chuỗi đầu tư của FDI thì phải đi kèm với các điều kiện về giáo dục, đào tạo, phối hợp kinh doanh, ngay cả luật lệ cũng phải có sự điều chỉnh. Chính vì vậy mới tạo ra một động lực lớn để cỗ máy kinh tế Việt Nam chạy trên xa lộ.
Năm 2020, trong một số lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ, vận tải, đưa người Việt Nam đi du lịch nước ngoài và ngược lại,… bị ảnh hưởng rất nặng nề. Nhiều người còn nghĩ rằng điều đó có khi còn lan tỏa đến những lĩnh vực khác nữa. Rất may mắn, trong năm 2020 kim ngạch xuất nhập khẩu giữ được nhịp độ tăng trưởng. Hy vọng trong năm 2021 này, khi đại dịch Covid-19 bị đẩy lùi, chúng ta sẽ thấy mọi sự dễ dàng hơn. Bây giờ thì ngành du lịch Việt Nam có lẽ bắt đầu khởi động trở lại, dĩ nhiên là trong khu vực du lịch nội địa, dù giá trị không bằng như khi mở ra với bên ngoài. Chúng ta thấy việc chào mời các chuyến du lịch hay những gói du lịch giá rẻ cũng chỉ giúp các doanh nghiệp cầm cự, hoặc có lợi rất ít. Chính vì điều đó trong tương lai, người ta muốn có một sự mở cửa và dĩ nhiên là điều đó chỉ xảy ra khi mà dịch Covid-19 được kiểm soát một cách chặt chẽ. Còn trong tình hình hiện nay thì cũng còn khó.
Với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt được trong năm 2020 thì đây là một cột mốc và cột mốc này cũng có thể sẽ bị phá vào năm 2021, bởi tỷ lệ đầu tư FDI vào Việt Nam rất cao, và Việt Nam phát triển xuất khẩu nhiều hơn với những thị trường xuất khẩu mới như ở châu Âu. Ngay cả xuất khẩu sang Mỹ sẽ hứa hẹn còn tăng mạnh hơn nữa. Tất cả những điều đó cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhất là xuất siêu sẽ còn tiếp tục phá kỷ lục nữa. Và chắc chắn một điều chúng ta tin tưởng rằng, một đất nước xuất siêu là một đất nước làm ăn có hiệu quả. Nhiều người mong muốn tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam phải đạt tới 1.000 tỷ USD mới tương xứng với tiềm năng. Ðó là một cột mốc mà Việt Nam cần phấn đấu trong thời gian tới.
Đoàn Dân (Nhân dân/lược ghi)