Nếu cứ dựa vào 2 chữ "mưu sinh" để biện hộ cho loại xe cũ nát gây nguy hiểm trên đường, bạn đang để trái tim nhầm chỗ hoặc chỉ thỏa mãn thói ưa chỉ trích mà thôi.
Ngày 15/3, Công an TP.HCM ra quân xử lý các trường hợp xe cũ nát, xe tự chế không còn đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn lưu thông trên đường. Đây là hoạt động cực kỳ cần thiết để lập lại trật tự, an toàn trên đường phố. Tuy nhiên, bởi chủ xe thường là người nghèo, họ dùng nó để chở rau, nước đá hay các loại hàng hóa khác nên trên mạng xã hội lại có những ý kiến chỉ trích, cho rằng việc tịch thu xe chính là nhẫn tâm tước đi phương tiện mưu sinh của người lao động nghèo.
Một lần nữa, hai chữ "mưu sinh" lại được đưa ra làm bình phong, che đỡ cho những hành vi phạm luật.
Trước hết, những chiếc xe tự chế, xe cũ nát không đảm bảo an toàn cần phải được loại bỏ. Đó là quy định của pháp luật, mọi người dân buộc phải chấp hành, dù là giàu hay nghèo, là người làm việc trong văn phòng hay bươn chải trên đường. Bởi việc tuân thủ quy định đó giúp bảo vệ lợi ích, sức khỏe và tính mạng của cả cộng đồng.
Trong số những độc giả đang đọc bài này, bao nhiêu người từng giật mình kinh hãi khi đang đi trên đường thì bất ngờ có những chiếc xe không không biển số, cũ nát, thô sơ nhưng lại chở đồ cồng kềnh tạt qua mình? Đã có bao nhiêu người ngã xe, suýt chết khi va chạm với những phương tiện như thế? Ở tình huống này, hẳn bạn luôn giận dữ tự hỏi: "Sao lại cho phép loại xe nguy hiểm như thế lưu thông?".
Thực tế đã có vô số tai nạn đau lòng xảy ra do những chiếc xe không đủ tiêu chuẩn lưu hành. Kinh khủng nhất là khi chúng được dùng để chở hàng hóa cồng kềnh hoặc những thanh sắt, tấm tôn sắc nhọn trên đường rồi cướp đi tính mạng của người khác hoặc làm tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe của họ, trong đó có cả người già, trẻ em và những lao động chính trong gia đình. Những vụ việc đau lòng như thế, chẳng lẽ không đủ để chúng ta tỉnh táo hơn sao?
Ai mà chẳng phải mưu sinh? Ai mà chẳng phải dùng sức lao động để nuôi bản thân, chăm lo cho gia đình và hoàn thành các trách nhiệm xã hội? Nhưng xin đừng mang hai chữ "mưu sinh" ra biện minh, đòi hỏi thông cảm với những hành vi vi phạm pháp luật, đừng vì hai chữ mưu sinh mà đẩy bản thân hay những người vô tội khác vào sự nguy hiểm. Đừng vì hai chữ mưu sinh mà dung túng, bao che cho những hành động vi phạm pháp luật, để rồi có ngày người thân hay chính chúng ta phải trả giá đắt, đôi khi là bằng chính mạng sống cho sự dung túng đó.
Khi nhìn những chiếc xe nguy hiểm ấy trên đường, đừng chỉ nhìn vào cái nghèo của chủ xe mà hãy nhìn vào mối đe dọa đối với tính mạng của chủ xe và những người khác, nhìn vào sự ô nhiễm mà nó gây ra cho không khí, và bao nhiêu người sẽ hít khí độc ấy rồi mang bệnh.
Tịch thu những chiếc xe cũ nát, xe tự chế không phải là cướp đi miếng cơm, manh áo hay phương tiện mưu sinh của người nghèo, mà là loại bỏ mối nguy hiểm bảo vệ công dân, là điều đương nhiên phải làm để hướng tới một xã hội an toàn, văn minh và hiện đại.
Trong số chủ nhân những chiếc xe cũ nát đó, chắc không ít người đủ khả năng mua xe khác an toàn hơn. Nhưng họ không làm bởi hằng ngày vẫn cưỡi nó trên đường, thậm chí chở cả núi hàng hóa mà vẫn không bị xử phạt, nhiều khi bị công an giữ lại rồi thông cảm cho qua. Không biết vì sự thông cảm đặt sai chỗ hay lý do nào khác mà lâu nay, dường như các lực lượng chức năng vẫn "mắt nhắm mắt mở" để loại xe này đi lại trên đường, và những người vi phạm không cảm thấy đổi xe là điều cấp thiết.
Và ngay cả khi chủ xe là người thực sự nghèo đến mức không đủ tiền mua xe khác, cũng không thể vì thế mà chấp nhận sự vi phạm của họ, chấp nhận để họ hại mình, hại người khi sử dụng phương tiện tử thần. Nhà nước, cộng đồng xã hội có thể tổ chức những chương trình đổi xe mới, kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa, do người dân và doanh nghiệp đóng góp. Thay vì dùng nước mắt xót thương để cản trở việc xử lý xe cũ nát, hãy thể hiện lòng tốt của bạn trong những hoạt động thiết thực, nhân văn đó.
Nhiều người luôn so sánh Việt Nam với các nước phát triển rồi kêu ca rằng vì sao chúng ta không văn minh như họ, nhưng không biết chính mình không ít lần vì thiếu tỉnh táo mà cản trở sự phát triển. Phải hiểu rằng không xã hội nào một bước lên đến đỉnh cao, không thể văn minh nếu chúng ta cứ bám vào cái cũ, cái lạc hậu, dù nhân danh mưu sinh, thương người hay cái gì khác. Cứ mãi mang hai chữ "mưu sinh" ra để ngụy biện, để bảo vệ cho những điều sai trái nghĩa là "trái tim nhầm chỗ để trên đầu", hoặc đơn giản chỉ chỉ là để thỏa mãn thói ưa chỉ trích của bản thân.
Hoàng Anh (VTC News)