Nhiều chuyên gia pháp lý đã nêu quan điểm về việc ông Đoàn Ngọc Hải có quyền tặng lại Huân chương Lao động hạng ba cho cá nhân, tổ chức khác sau khi tiếp nhận tiền để ủng hộ đồng bào nghèo hay không?.
Mới đây, trên trang Facebook cá nhân, ông Đoàn Ngọc Hải (nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1, TPHCM) đã đăng tải dòng trạng thái cho biết vừa trao tặng một cá nhân tấm Huân chương Lao động hạng Ba sau khi tiếp nhận tiền để ủng hộ đồng bào nghèo.
Ông Hải viết: "Tôi đến gặp em ruột của bạn Nguyễn Thành Văn tiếp nhận 850 triệu đồng để ủng hộ đồng bào nghèo. Cụ thể là em Nguyễn Thành Văn chung sức với nghệ sĩ hài Việt Hương mua 1 chiếc xe cứu thương loại tốt để tôi phục vụ cho đồng bào nghèo.
Để tri ân tấm lòng của em Nguyễn Thành Văn, tôi đã tặng em tấm Huân chương Lao động hạng ba của cá nhân tôi mà tôi đã gìn giữ rất kỹ suốt 7 năm nay. Đây là phần thưởng cao quý của Nhà nước tặng tôi năm 2014. Trân trọng cảm ơn em, một nghĩa cử cao đẹp" - ông Hải thông tin.
Dòng trạng thái của ông Hải nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng xã hội. Chỉ sau 15 giờ đăng tải, câu chuyện này đã thu hút gần 7000 lượt like cùng hàng trăm lượt bình luận.
Bên cạnh những bình luận ủng hộ việc trao tặng lại Huân chương của ông Đoàn Ngọc Hải cũng xuất hiện không ít những ý kiến cho rằng hành động này là "không đúng đắn".
Cụ thể, một tài khoản cá nhân có tên H.H.L. bình luận: "Việc làm của anh Hải lấy huân chương mình tặng cho mạnh thường quân để nhận 800 triệu đồng là không thể đúng đắn. Dù rằng 800 triệu ấy anh Hải nhân danh giúp đỡ người nghèo.
Huân huy chương là phần thưởng cao quý Nhà nước dành cho anh, tặng cho anh, chứ Nhà nước đâu tặng cho người khác? Và trên Huân chương ghi tên Đoàn Ngọc Hải..
Ngay cả món quà bạn bè tặng nhau, đấy là vật kỷ niệm trân quý, tình cảm cần phải gìn giữ, lưu lại để mà nhớ. Chứ huống hồ gì, đấy lại là tình cảm, ghi nhận của Tổ quốc trao anh…".
Chia sẻ dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng VP Luật sư Đồng Đội - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, tại Điều 88 Luật Thi đua Khen thưởng 2003 quy định: "Cá nhân được tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng có quyền lưu giữ, trưng bày và sử dụng hiện vật khen thưởng".
Ngoài ra, theo Khoản 2 Điều 77 Nghị định 91/2017 hướng dẫn một số điều của Luật Thi đua Khen thưởng 2003, cá nhân, tập thể được khen thưởng có nghĩa vụ bảo quản các hiện vật khen thưởng, không được cho người khác mượn để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
"Như vậy, pháp luật không cấm việc cá nhân, tập thể được khen thưởng tặng lại, cho hiện vật được khen thưởng; chỉ cấm cho người khác mượn để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Trong khi đó, các hiện vật khen thưởng cũng là tài sản nên cá nhân có quyền định đoạt theo quy định của pháp luật. Vì vậy, hành động tặng lại Huân chương của ông Hải không vi phạm pháp luật" - ông Tiền nhận định.
Tuy nhiên, luật sư Tiền cho rằng, cần bổ sung quy định hướng dẫn cụ thể trường hợp này trên thực tế. Bởi hiện vật khen thưởng có ý nghĩa to lớn, vinh danh người được tặng. Có thể khi tặng hiện vật khen thưởng cho người khác thì không còn giữ nguyên được ý nghĩa ban đầu của nó.
Cùng chung quan điểm nêu trên, theo Luật sư Tạ Anh Tuấn (Trưởng VP Luật sư Bách Gia Luật và Liên danh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội), tại Điều 42 Luật Thi đua Khen thưởng 2003 quy định: "Huân chương Lao động" để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân, tặng cho tập thể có thành tích xuất sắc trong lao động, sáng tạo, xây dựng Tổ quốc.
Bởi vậy, dù pháp luật không cấm việc cá nhân nhận Huân chương Lao động trao tặng lại cho cá nhân, tổ chức khác nhưng hành động này của ông Hải có thể khiến cho chiếc huân chương không còn đầy đủ ý nghĩa như ban đầu.
"Huân chương Lao động gắn liền với quyền nhân thân của cá nhân được Chủ tịch nước tặng, cụ thể là ghi nhận thành tích đóng góp của ông Hải vào năm 2014. Vì quyền nhân thân gắn liền với ông Hải nên khi ông ấy trao tặng lại huân chương cho người khác dù vì bất cứ mục đích nào cũng khiến người khác cảm thấy có phần phản cảm" - ông Tuấn nhận định.
Nguyễn Trường (dantri.com.vn)