Đại dịch COVID-19 đã và đang có những tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội. Song ở góc nhìn khác, những kết quả trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch bệnh và nhất là những nỗ lực của Đảng trong việc nhập khẩu và triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 đã thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa cũng như trách nhiệm của Đảng đối với Nhân dân...
Luật sư Hoàng Duy Hùng: Cần khách quan, công tâm khi đánh giá nhân quyền ở Việt Nam
Vẫn điệp khúc 'rên la' ngày tháng Tư lịch sử
Nhận diện, đấu tranh vạch trần những chiêu trò, thủ đoạn nhằm phá hoại bầu cử các cấp
Tổ chức Ân xá Quốc tế lộ rõ 'bàn tay đen' hậu thuẫn cho những kẻ xâm phạm an ninh Quốc gia Việt Nam
Những nhận định ấu trĩ và thiển cận
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, “Chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Ðảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Ðảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân” (1). Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong các giai đoạn cách mạng, Đảng ta đã luôn quan tâm, chăm lo mọi mặt đời sống của Nhân dân. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ luôn luôn hướng tới sự ổn định và phát triển xã hội, đem lại hạnh phúc cho thực sự cho Nhân dân.
Đặc biệt, trước sự nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19, Đảng đã huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cùng tham gia phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả. Các đợt dịch từng bước được khống chế, kiểm soát, qua đó đã giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 đối với đời sống và sức khỏe của người dân. Không chỉ nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, với việc nhanh chóng nhập những lô vaccine đầu tiên và triển khai kế hoạch tiêm phòng COVID-19 đại trà tại một số địa phương vào đầu tháng 3/2021 vừa qua, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá rất cao về những biện pháp phòng, chống dịch mang tính lâu dài, hiệu quả. Đồng thời, Việt Nam cũng có một chiến lược hết sức phù hợp, khoa học, không vội vàng, ồ ạt trong việc mua và tiêm vaccine, cũng không phụ thuộc vào một loại vaccine nào mà tiếp tục đàm phán với nhiều nhà sản xuất. Song song việc nhập khẩu vaccine, chúng ta cũng đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vaccine COVID-19 nội địa... Chiến lược đúng đắn này của Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh và tầm nhìn của Đảng ta, một Đảng luôn biết lo cho dân, luôn vì dân.
Trước đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta đã xác định, "Tập trung kiểm soát đại dịch COVID-19, tiêm chủng đại trà vaccine COVID-19 cho cộng đồng..." (2), là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện ngay sau Đại hội. Đây là một quyết định đúng đắn, mang tính lịch sử và đầy trách nhiệm của Đảng ta trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, nguồn lực hạn chế. Với quyết định đó, Đảng, Nhà nước đã đưa Việt Nam vào danh sách không nhiều quốc gia trên thế giới sớm có chủ trương tiêm vaccine COVID-19 đại trà cho toàn dân.
Thực tế là vậy, nhưng đáng buồn là liên quan đến chuyện vaccine, một số đài, trang mạng từ nước ngoài lại đưa ra luận điệu sai trái, xuyên tạc như: “Việt Nam chậm trễ, bị động; Đảng, Nhà nước thiếu trách nhiệm trong việc bảo đảm vaccine COVID-19”; “Lộ trình tiêm vaccine ưu tiên chưa thấy nhắc đến người nghèo, các nhóm yếu thế. Những người đó chưa biết đến bao giờ mới có cơ hội tiếp cận vaccine”... Thậm chí, cái gọi là Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) có trụ sở tại Hoa Kỳ đã đưa ra cáo buộc xuyên tạc sự thật, xếp Việt Nam vào số các chính phủ lợi dụng COVID-19 vi phạm nhân quyền, Việt Nam tạo ra những “bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội và hỗ trợ của Chính phủ”...
Cần phải nhắc lại, ngày 09/02/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1210/QÐ-BYT về việc phê duyệt kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối, sử dụng vaccine phòng COVID-19 trong giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility (Giải pháp tiếp cận vaccine phòng COVID-19 toàn cầu) hỗ trợ. Theo đó, Bộ Y tế xác định 11 nhóm đối tượng cần tiêm vaccine phòng COVID-19 sau khi vaccine hỗ trợ chuyển đến Việt Nam (khoảng 4,8 triệu liều), trong đó có ba nhóm là: "Người trên 65 tuổi; những người mắc các bệnh mãn tính; người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ". Tiếp đó, ngày 26/02/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết 21/NQ-CP (Nghị quyết 21) về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19 giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên với số lượng khoảng 150 triệu liều. Nghị quyết 21 quy định rất cụ thể về 9 nhóm được xác định là các đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí, trong đó có ba nhóm: "Người mắc các bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi", "Người sinh sống tại các vùng có dịch", "Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội"....
Mới đây, khi báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã cho biết, trong năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vaccine, bảo đảm đủ tiêm cho hầu hết người dân. Nguồn vaccine từ chương trình COVAX (cơ chế vaccine quốc tế toàn cầu do WHO đứng đầu và các đối tác) có thể cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều, nguồn nhập khẩu của hãng AstraZeneca với số lượng 30 triệu liều, của hãng Pfizer 30 triệu liều, vaccine của Nga 60 triệu liều. Đối với vaccine do Việt Nam sản xuất theo tiến độ đến năm 2022 thì Việt Nam sẽ có vaccine.
Như vậy, Việt Nam có đủ cơ sở đáp ứng mục tiêu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho toàn dân trong năm 2021-2022. Đến nay, vaccine phòng COVID-19 đã và đang được triển khai tiêm tại 12 tỉnh, thành phố: Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Gia Lai, Long An, Đà Nẵng, Hòa Bình, Khánh Hòa và thành phố Hồ Chí Minh. Theo Bộ Y tế, tính đến hết ngày 01/4, cả nước đã có trên 51.200 lượt người được tiêm vaccine phòng COVID-19. Hoàn toàn không có việc Việt Nam chậm trễ, bị động, Đảng, Nhà nước thiếu trách nhiệm trong việc bảo đảm vaccine phòng COVID-19... như các thế lực phản động đang cố tính xuyên tạc, chống phá.
Có thể thấy, chủ trương nhập khẩu và triển khai từng bước tiêm vaccine phòng COVID-19 đại trà đã thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa cũng như trách nhiệm của Đảng đối với Nhân dân... Chủ trương này đồng thời cũng thể hiện sự thống nhất “ý Đảng lòng dân” trước những khó khăn, thử thách do đại dịch COVID-19 gây ra.
Chủ trương của Đảng, Nhà nước là sẽ tiêm vaccine phòng COVID-19 đại trà cho toàn dân với ngân sách, nguồn lực và lộ trình cụ thể. Song, phòng, chống COVID-19 là “cuộc chiến” lâu dài, khó khăn; nhiều cam go phức tạp... Để ngăn chặn và đẩy lùi dịch, bệnh đòi hỏi chúng ta cần phát huy sức mạnh toàn dân, xã hội hóa thêm các nguồn lực cùng chung tay phòng, chống dịch COVID-19, xây dựng “thế trận lòng dân đẩy lùi dịch bệnh”./.
Tài liệu tham khảo:
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, xuất bản lần thứ 3, H, 2011, tập 9, tr.518.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập II, tr.335.
Nguyễn Thị Hoàn (Báo Đảng Cộng sản điện tử)