Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Friday, May 28, 2021 , 0 bình luận

(Tindautruongdanchu)-Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên đã và đang trở thành một căn bệnh “nan y”, nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Bởi vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã nhận diện, và đề ra các giải pháp khắc phục vừa mang tính cấp bách, lâu dài vừa mang tính sống còn đối với Đảng, chế độ ta. Một trong những giải pháp hiểu hiệu nhất, đó là bằng ý chí, quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

>>Thành công của 'Ngày hội non sông' khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội

>>Đảng là trí tuệ, niềm tin và sức mạnh

>>Củng cố niềm tin cho nhân dân về con đường Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn

1. Nhận diện sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống

Suy thoái là sự yếu kém, hư hỏng, làm mất dần đi cái tốt, cái tiến bộ, đồng thời làm gia tăng dần cái xấu, cái lạc hậu, từ đó dẫn đến sự thoái hóa và biến chất của sự vật, hiện tượng, quá trình hay chính bản thân con người và tổ chức xã hội của con người. Căn bệnh suy thoái thường đi liền với việc “biến chất” và được gọi là “Bệnh suy thoái, biến chất”.

Trong xã hội, sự suy thoái biến chất được hiểu là sự giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động về chính trị, sa sút phẩm chất đạo đức, xuống cấp về lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, tất yếu sẽ làm hư hỏng, làm biến chất cán bộ, đảng viên và làm hỏng mọi việc của cá nhân và tổ chức. Hiện tượng này, vì thế khác với những băn khoăn, lo lắng, bức xúc trước các hiện tượng tiêu cực trong xã hội; khác biệt với vi phạm một số khuyết điểm, chấp hành không nghiêm một số quy định của Hiến pháp, pháp luật của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Trong thế giới cái gì cũng biến hóa, tư tưởng con người cũng biến hoá. Có cái thì biến hóa tiến bộ lên, tức là phát triển; có cái thì biến hóa lạc hậu đi, tức là suy thoái”[1]. Vì vậy, trong qúa trình lãnh đạo cách mạng, Người mong rằng “bao nhiêu những cái xấu xa, thối nát, bất công, áp bức của chế độ cũ, của các hội đồng kỳ mục trước sẽ không thể tồn tại trong các ủy ban nhân dân bây giờ”[2]. Song, thực tế, khi chính quyền về tay nhân dân, một số “căn bệnh” của quan lại phong kiến vẫn nhiễm vào đầu óc không ít cán bộ, đảng viên và trở thành “khuyết điểm to”. Do “khuynh hướng chật hẹp và bao biện”, “lạm dụng hình phạt”, “hủ hóa”, “kéo bè kéo cánh”, “kiêu ngạo”... Những khuyết điểm đó tiếp tục được Người chỉ rõ trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những khuyết điểm phát triển thành “căn bệnh rất nguy hiểm” mà cán bộ, đảng viên mắc phải, đó là: “Khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan. Khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng và ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi. Khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là ba hoa”[3]. “Mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong ta đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải sửa chữa hết những chứng bệnh đó”[4].


Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Người tiếp tục cảnh báo: “Còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn rất kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa… tham danh trục lợi, thích địa vị, quyền hành, tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem kinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền, xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh, mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, thiếu tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”[5].

Từ nhận diện của Hồ Chí Minh về suy thoái biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quá trình hoạt động lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã có những cảnh báo về căn bệnh “suy thoái, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên”. Tại Đại hội VI năm 1986, Đảng ta đã cảnh báo: “Trong xã hội ta đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai lối sống: lối sống có lý tưởng, lành mạnh, trung thực, sống bằng lao động của mình, có ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, chăm lo lợi ích của tập thể và của đất nước với lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, ăn bám, chạy theo đồng tiền... Đã có lúc, có nơi, một đảng viên thụ động, bàng quan, bất lực trước sự lan tràn của những tin đồn nhảm, những dư luận ác ý, tê liệt trước sự tiến công của địch về tư tưởng”[6].

Đến Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII), Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: “Trong Đảng có một bộ phận giảm sút về ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động, mất lòng tin, trong đó một số chịu ảnh hưởng của khuynh hướng cơ hội, xét lại, muốn đưa đất nước đi vào con đường khác; thậm chí đã có người phản bội, đầu hàng. Không ít cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân thực dụng cuốn hút, trở nên thoái hóa, hư hỏng. Tệ nạn tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, ăn chơi, phung phí tài sản của nhân dân rất nghiêm trọng và kéo dài”[7].

Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII, Đảng tiếp tục đánh giá vấn đề suy thoái tư tưởng chính trị: “Trong Đảng đang bộc lộ một số yếu kém: Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng”[8].

Các kỳ Đại hội IX, X, XI của Đảng, Văn kiện Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định tình trạng suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên là nghiêm trọng. Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn; một số rất ít cán bộ, đảng viên bị phần tử xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động, xúi giục, mua chuộc đã có tư tưởng, việc làm chống đối Đảng, Nhà nước”[9].

 Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống, và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ10.

 Hiện nay, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống biểu hiện tính chất, mức độ khác nhau, diễn ra ở các đối tượng khác nhau, từ đảng viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, đến đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả cán bộ cao cấp. Vấn đề đặt ra là cần nhận diện đúng sự suy thoái đang diễn ra ở những đối tượng nào để có giải pháp ngăn chặn thích hợp. Đại hội XIII chỉ rõ: Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”[10].

Sự suy thoái của nhóm cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý có chức, có quyền, có nguy hại lớn, vì sự liên quan lớn hơn đến quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế, quyền lực xã hội của họ. Hành vi của nhóm người này là tự cho mình đứng ngoài sự quản lý, giám sát của tổ chức, coi thường kỷ luật, nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, cũng như quy định của cơ quan, đơn vị; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, có tư tưởng bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; coi thường nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. “Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh”[11]. Sự phê phán của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, mang tính thời sự cao và có ý nghĩa giáo dục đạo đức, lối sống sâu sắc cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta, đặc biệt trong thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, đồng thời là cơ sở để Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ: Trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và, lần đầu tiên Đảng ta chỉ rõ “Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”[12]. Xuất phát từ động cơ, lợi ích kinh tế và chính trị, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay kể cả cán bộ cao cấp đang tự biến mình thành một “diễn viên có hạng”. Họ không trung thực với chính bản thân mình, vứt bỏ danh dự, phẩm chát, nhân cách của bản thân. Những lệch lạc về đạo đức, lối sống trong xã hội đã và đang diễn ra trước hết và nguy hiểm hơn ở những kẻ có chức có quyền, những kẻ mang danh “đầy tớ của Nhân dân” nhưng đã thoái hóa, biến chất. Từ đó, dẫn tới độc đoán, chuyên quyền, đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, coi thường tập thể, trở thành “quan cách mạng”.  Khi cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân, đồng nghĩa với việc họ làm biến chất, suy thoái Đảng. Nguy hiểm hơn, trong số đó, có người mất phương hướng chính trị, quay lại nói xấu Đảng, chống phá chế độ. Bài học nhãn tiền đau đớn của Liên Xô và các nước Đông Âu đã chứng minh điều đó. Cho nên, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh nội tại giữa cái “thiện” và cái “ác”; giữa cái “đúng” và cái “sai”; giữa cái “tiến bộ” và cái “thoái bộ”.

Sự suy thoái của bộ phận đảng viên không giữ chức vụ trong Đảng và chính quyền, là những đảng viên chưa hoặc không được giao các chức vụ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, chỉ chịu trách nhiệm cá nhân khi thực hiện các nhiệm vụ đảng viên. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị của nhóm đối tượng này là thiếu niềm tin vào các cấp, nghi ngờ vai trò lãnh đạo của Đảng, phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; không làm tròn nhiệm vụ người đảng viên. Nhiều người không thấm nhuần tư tưởng và tiêu biểu về phẩm chất: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Trong công tác, họ không chấp hành nghiêm luật pháp, lợi dụng hoặc cố ý làm trái chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để làm giàu bất chính; không biết hoặc không dám đấu tranh, rất hay ngộ nhận và phụ họa theo những nhận thức, hành động tiêu cực, tư tưởng sai trái, quan điểm lệch lạc; phát ngôn sai với đường lối, quan điểm của Đảng; không làm chủ được bản thân, rất dễ bị kích động, thậm chí có người ý thức chính trị kém, bị kẻ địch lợi dụng lôi kéo.

Nhận diện đúng căn bệnh “nan y” này, thời gian qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn quân và toàn dân đã vào cuộc, cùng “chữa trị” căn bệnh này bằng liều thuốc - ý chí, quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao, hy vọng từng bước đẩy lùi căn bệnh suy thoái.

2. Ý chí, quyết tâm phòng, chống sự suy thoái

Để ngăn chặn và đấu tranh hiệu quả chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên cần được thực hiện đồng bộ một số biện pháp cơ bản sau đây:

Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên

Giáo dục chính trị tư tưởng là công việc của mọi cấp, mọi ngành. góp phần bồi đắp lý tưởng cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, để khi đối mặt với khó khăn, thử thách; đứng trước những cám dỗ vật chất, tác động từ những tiêu cực, mặt trái của kinh tế thị trường hay đòn tấn công hiểm độc của các thế lực thù địch, cán bộ, đảng viên vẫn kiên định, vững vàng, không hoang mang, dao động, phai nhạt lý tưởng, giảm ý chí chiến đấu.

Nếu mọi cán bộ, đảng viên đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, thì sự “xâm nhập” của các tác nhân làm nảy sinh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sẽ bị triệt tiêu từ khi có “mầm bệnh”.

Để làm được điều đó, là tổ chức thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết trung ương 4 (Khóa XII); thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác quản lý cán bộ, đảng viên; kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái ngay từ khi mới xuất hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng.

Chú trọng đúng mức công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng thành lũy tư tưởng vững chắc cho mọi cán bộ, đảng viên phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Người đứng đầu các cấp cần gương mẫu trong rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, phẩm chất, lối sống. Đồng thời người đứng đầu phải là người đi đầu trong đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Sự nêu gương của đội ngũ cán bộ chủ trì sẽ có tác dụng thúc đẩy sự tự giác, thái độ nghiêm túc của cán bộ, đảng viên, quần chúng phấn đấu, rèn luyện và đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, tiêu cực, mầm mống của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

 Điều đặc biệt quan trọng là bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác rèn luyện, nâng cao khả năng “tự bảo vệ”, tăng cường “sức đề kháng” và “độ miễn dịch” trước mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của các thế lực thù địch và sự tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, xem xét đối chiếu mình với tiêu chuẩn đạo đức cách mạng, từ đó, điều chỉnh hành vi của bản thân, tránh cám dỗ của lối sống hưởng thụ xa hoa, lãng phí, sách nhiễu, quan liêu, tham nhũng. Từng bước đẩy lùi cái xấu, làm cho đạo đức cách mạng trong mỗi cá nhân ngày càng phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Hai là, đề cao trách nhiệm nêu gương để phòng ngừa, giảm thiểu suy thoái

Đối với cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ cấp cao, trách nhiệm không dừng lại ở bổn phận “việc phải làm, việc phải gánh vác, việc phải nhận lấy về mình”, mà còn là một trong những giá trị thuộc về phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức, chiều sâu văn hóa của người chiến sĩ tiên phong của Đảng. Họ cần khắc cốt ghi tâm câu nói của Bác Hồ: “Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy... là không có tinh thần trách nhiệm”[13].

Nói đến “trách nhiệm” thì dễ, nhưng thực hiện đến nơi đến chốn trách nhiệm của cán bộ, đảng viên lại phải đòi hỏi mỗi người luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, nhiệm vụ của mình, từ đó thường xuyên nêu cao ý thức, bổn phận, nghĩa vụ trong rèn luyện, công tác, gắn bó hết mình với công việc, tận tụy với chức trách được phân công, góp công góp sức cùng cán bộ, nhân viên, người lao động trong cơ quan, đơn vị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Phải làm sao để theo ngày ngày, tháng tháng, mỗi cán bộ, đảng viên càng làm việc càng trôi chảy, hiệu quả, càng đóng góp nhiều hơn cho tập thể. Vì khi tập thể vững mạnh, trưởng thành thì bản thân mình cũng tiến bộ.

Để có tinh thần trách nhiệm tốt, mỗi cán bộ, đảng viên cần có “5 tự”: Phải tự mình chủ động, tích cực, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, làm việc có chương trình, kế hoạch, khoa học và đạt kết quả cao nhất; phải có tính tự trọng cao để làm việc với tinh thần, thái độ công tâm, khách quan, vì lợi ích chung của cơ quan, đơn vị, vì danh dự của cá nhân; phải biết tự xử với chính bản thân mình trong mọi việc, khi mắc phải thiếu sót, khuyết điểm phải tự giác nhận trách nhiệm cá nhân, xác định rõ nguyên nhân do đâu mà mắc phải để có biện pháp sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên, không tranh công, đổ lỗi cho khách quan, cho người khác; phải tự giác tự phê bình, phê bình và không được tự ái để không ngừng tiến bộ; phải có sự tự tin trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công việc được giao.

Một trong những tiêu chí cơ bản để nhận định, đánh giá cán bộ, đảng viên có hoàn thành chức trách, nhiệm vụ hay không, đó là tinh thần trách nhiệm. Các nhiệm kỳ qua, khi lựa chọn nhân sự vào vị trí lãnh đạo các cấp, Đảng ta luôn nhấn mạnh đến tiêu chí “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” của người cán bộ, đảng viên. “Dám chịu trách nhiệm” không chỉ thể hiện tinh thần gan dạ, dũng cảm, tính khí khảng khái, cương trực của người cán bộ, mà còn nói lên ý thức dám đối mặt với khó khăn, chấp nhận sự rủi ro khi dấn thân vào việc khó, giải quyết vấn đề khó, chưa có tiền lệ, song cũng khơi thông được mạch nguồn sáng tạo, cổ vũ cho những hướng đi mới, cách làm mới mang lại hiệu ứng, hiệu quả khả quan trong tương lai. “Dám chịu trách nhiệm” hiểu theo nghĩa này chính là khuyến khích những nhân tố mới để góp phần làm chuyển biến, thay đổi tình hình theo chiều hướng tích cực. Như vậy, “dám chịu trách nhiệm” ở đây là tinh thần đề cao “trách nhiệm nhân đôi” và cũng là bản lĩnh vững vàng của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp.

Mỗi cán bộ, đảng viên ở cấp chiến lược, phải luôn thấm nhuần “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”; đồng thời yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên có trách nhiệm nêu gương ở 7 nội dung cụ thể là: Tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật; đoàn kết nội bộ như Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7 – 6 – 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã chỉ ra. Đồng thời, tự nghiêm khắc với chính mình, gương mẫu trong lời nói và hành động cũng là một trong những cách tốt nhất để đội ngũ cán bộ, đảng viên tự phòng ngừa, giảm thiểu được những biểu hiện suy thoái.

Ba là, tăng cường phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đấu tranh có hiệu quả chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí và các tệ nạn xã hội.

Thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra” để kịp thời phát hiện những biểu hiện, hành động, hiện tượng tham ô, tham nhũng, lãng phí, bệnh quan liêu trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng và củng cố thế trận an ninh nhân dân gắn với công tác phòng và chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động. Lấy việc làm cụ thể, hành động cụ thể của mỗi cán bộ, đảng viên trong mối quan hệ với quần chúng nhân dân, trong phòng và chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu tại cơ quan, địa phương, đơn vị và từng địa bàn cơ sở, khu dân cư... làm thước đo đánh giá tư cách, năng lực, đạo đức và coi đó là một trong những điều kiện để xem xét đánh giá, bổ nhiệm, khen thưởng.

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu trong những năm qua đã được Ðảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, dựa vào dân và ngày càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Nhiều vụ việc, nhiều đại án kinh tế đã được triển khai đồng bộ, bài bản, thận trọng, giải quyết triệt để, đạt nhiều kết quả, được dư luận quan tâm và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Trong đó, lực lượng công an đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp, đóng góp tích cực, quan trọng vào việc đẩy nhanh tiến độ điều tra, đưa ra truy tố, xét xử các vụ án nghiêm trọng, phức tạp về ma túy, kinh tế, tham nhũng… góp phần ngăn chặn tình trạng tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật.

Bốn là, kiên quyết đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Ðảng

Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Đảng viên chính là hạt nhân góp phần xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh. Với 5 triệu đảng viên – chính là cơ sở, nền tảng xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng vững mạnh. Song, thời gian qua, không ít đảng viên vì lợi ích cá nhân, mặt trái của cơ chế thị trường và “viên kẹo bọc đường” của các thế lực thù địch đã bị thoái hóa, biến chất.

Bên cạnh đó, một bộ phần không nhỏ đảng viên thiếu gương mẫu, bản lĩnh chính trị không vững vàng, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất tầm thường, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; có việc làm hoặc phát ngôn sai nguyên tắc, trái với Cương lĩnh, Điều lệ, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; một số có biểu hiện dao động, hoài nghi về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Những khuyết điểm, yếu kém đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, vi phạm tư cách, tiêu chuẩn đảng viên và quy định những điều đảng viên không được làm; có những bài viết, phát ngôn trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, biểu hiện rõ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…

Bằng ý chí, quyết tâm, quyết liệt phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của toàn Đảng, toàn quân và toàn quân ta, ngày 10 - 1 - 2020, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho biết, từ năm 2016 đến nay, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã triển khai thực hiện, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, tăng nhiều so với các năm trước đây, chất lượng, hiệu quả cũng nâng cao với nhiều vụ việc khó, phức tạp nghiêm trọng. Tới nay, đã thi hành kỷ luật 1.111 tổ chức Đảng, 18.265 cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 8 tổ chức Đảng, 45 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra T.Ư thi hành kỷ luật 111 đảng viên. Trong số đảng viên bị kỷ luật, có 92 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý, gồm: 2 ủy viên Bộ Chính trị, 21 ủy viên và nguyên ủy viên T.Ư Đảng, 38 sĩ quan trong lực lượng công an, quân đội (cấp tướng là 23 người)[14]. Tổng Bí thư, Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phải thốt lên “Thật đau xót nhưng không thể không làm, không cách nào khác! Tất cả vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, đắt giá cho tất cả chúng ta”.

Đứng trước hiện tượng này nhiệm vụ đặt ra cần giải quyết là : Một là, các cấp ủy, nhất là cấp ủy cơ sở phải thực hiện nghiêm túc quy định về sinh hoạt đảng bộ, chi bộ; quản lý chặt chẽ sinh hoạt đảng và chuyển sinh hoạt đảng của đảng viên. Định kỳ sáu tháng, cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng tiến hành kiểm tra các chi bộ việc thực hiện quy định về sinh hoạt đảng và quản lý đảng viên, thông báo kết quả kiểm tra trong toàn đảng bộ; Hai là, kiên quyết khắc phục những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, cơ hội, thực dụng, vụ lợi, cá nhân, trung bình chủ nghĩa trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nắm bắt, giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của đảng viên; bảo vệ những đảng viên trung thực, thẳng thắn trong đấu tranh chống tiêu cự; Ba là, tiến hành tổng rà soát đội ngũ đảng viên trong toàn Đảng, làm rõ những đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ; không thực hiện đúng chế độ chuyển sinh hoạt hoặc đã chuyển sinh hoạt đảng nhưng không nộp hồ sơ cho tổ chức đảng có thẩm quyền; vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước; thiếu gương mẫu, uy tín thấp… Từ đó, đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tư cách; khắc phục triệt để tình trạng dễ dãi, nể nang, né tránh.

Muốn phòng, chống và khắc phục bệnh suy thoái, cần phải nhận diện đúng, trúng sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên để “kê đơn”, bốc thuốc nhằm chữa đúng, khỏi bệnh. Với ý chí quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao, thời gian qua, Đảng ta không chỉ ban hành nhiều nghị quyết, các cuộc vận động mà còn bằng việc làm cụ thể thiết thực đã từng bước đẩy lùi, ngăn chặn con “vi rút” suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ, đảng viên ở vị trí lãnh đạo cấp cao nói riêng. Điều đó đã củng cố lòng tin của nhân dân đối với chế độ, “ý Đảng hợp với lòng dân” sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần to lớn - nền tảng vững chắc thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội XIII đề ra.

Phạm Nhung


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb CTQG, H.2011, tr.317

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.4, tr.22.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.273

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.278-279

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.15, tr.546

[6] ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.47, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.461-462

[7] ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.52, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.190

[8] ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.24.

[9] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.196, 185

[10] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII,NxbCTQG ST, H.2021, tr.92.

[11] Hồ Chí Minh toàn tập, t.15, Sđd, tr.546-547.

[12] ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 30.

[13] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.7, tr.248

[14] https://thanhnien.vn/thoi-su/da-ky-luat-92-can-bo-dien-tu-quan-ly-tu-dau-nhiem-ky-xii-1170659.html

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X