Ngày 23-5 tới đây, cử tri ở Việt Nam sẽ thực hiện quyền công dân của mình với việc tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chính vì vậy, thời gian qua các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí ra sức tổ chức rất nhiều hoạt động, phương thức rất tinh vi, thâm độc nhằm phá hoại, gây trở ngại và xuyên tạc tính chất dân chủ của cuộc bầu cử. Trong đó, đáng chú ý là trò tự ứng cử của một số người tự nhận hoặc được gắn cho nhãn hiệu là “nhà dân chủ”.
BBC lại ‘thiếu thiện chí’ phê phán cách dùng từ ‘mô tả ca bệnh nhiễm Covid’ của báo chí Việt Nam
Vạch trần chiêu trò xuyên tạc nhằm phá hoại cuộc bầu cử ở nước ta
Linh mục lại giở trò lợi dụng tôn giáo để phá hoại 'Ngày hội của toàn dân'
Mượn cớ dân chủ hòng phá hoại 'Ngày hội của toàn dân'
Hãy dừng ngay hành vi 'uy hiếp' một đứa trẻ giật 'tấm vải vàng 3 sọc đỏ'
Thực tế cho thấy, để tạo tiền đề hoặc hỗ trợ âm mưu bạo loạn lật đổ khi có cơ hội, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đã thực hiện nhiều hành vi chống phá, tập trung vào vỏ bọc “thực hiện quyền dân chủ”, thể hiện dưới các hình thức gọi là “bất bạo động”, như: thành lập tổ chức mang danh nghĩa “xã hội dân sự”, hô hào “biểu tình ôn hòa”, gửi thư ngỏ “góp ý, kêu gọi, đòi hỏi”… Gần đây, phong trào “tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV” của một số “nhà dân chủ” cũng nằm trong toan tính đó nhằm hướng đến mục đích duy nhất là phủ nhận vai trò tổ chức, lãnh đạo của Đảng với Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và xã hội. Hầu hết các “diễn viên” của màn kịch này đều là những đối tượng đã xuất hiện trong phong trào “tẩy chay bầu cử” diễn ra trước đây. Như ngày 10-3-2021, trả lời phỏng vấn của RFA, “ứng viên” Lê Trọng Hùng (L.T.H.) thừa nhận: “Vâng lần trước thì tôi tẩy chay bầu cử, lần này thì tôi lại đứng ra ứng cử… Lần này nếu rất nhiều người tẩy chay, có lẽ tôi cũng sẽ làm công tác tẩy chay, nhưng hiện giờ thì không có mấy người tẩy chay và việc tẩy chay đó là hành động bất đắc dĩ thì mới phải làm đến”!
Thật ra, phong trào tự ứng cử không phải là chiêu trò mới của các “nhà dân chủ”, mà chỉ là mưu mẹo cũ được áp dụng lại. Tuy nhiên đến lần này, các đối tượng vin vào Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH (do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 11-1-2021 hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu đạt số đại biểu là người ngoài Đảng từ 25 - 50 đại biểu, tương đương từ 5 - 10% cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XV) để hô hào nhau làm hồ sơ ứng cử. Rút kinh nghiệm từ cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV, các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí có kế hoạch chống phá bài bản, dài hơi hơn. Trước thời điểm tổ chức bầu cử nhiều tháng, họ lập nhiều fanpage, tài khoản giả để vẽ ra đủ thứ luận điệu xuyên tạc như: “bầu cử chỉ là dân chủ giả hiệu”, “thủ đoạn loại bỏ người tự ứng cử”, “ứng viên cần nhất thân, nhì thế”, “muốn ai thì người đó trúng cử”… Để phá hoại bầu cử, Hoàng Dũng (thành viên của tổ chức phản động “con đường Việt Nam”, hiện sống tại Mỹ) cho biết đã lập Fanpage “vận động ứng cử ĐBQH 2016”, tạo hàng trăm bài viết, video, hình ảnh chung quanh, trước và sau cuộc bầu cử. Người này đã trả hàng chục triệu đồng để quảng cáo trên Facebook cho các nội dung đó. Hỗ trợ cho “ứng viên giả hiệu”, còn có cả một hệ thống sản xuất và lan truyền thông tin xấu độc, với sự góp mặt của mấy cái tên quen thuộc như RFA, BBC, VOA, tổ chức khủng bố “Việt tân”, “nhật ký yêu nước”, “tạp chí luật khoa”… Trước ngày bầu cử, theo thống kê của cơ quan chức năng, chỉ riêng tổ chức khủng bố “Việt tân” đã lập mới hàng trăm tài khoản, duy trì hàng nghìn tài khoản giả (fake account) trên mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ, thổi phồng các thông tin sai sự thật liên quan đến công tác chuẩn bị bầu cử và nhiều sự kiện đáng chú ý trong cả nước.
Để thực hiện mưu đồ của mình, học đòi mô hình bầu cử phương Tây, những đối tượng nói trên đã vẽ ra khẩu hiệu “1.000.000 công dân ra tranh cử ĐBQH để dân tộc trưởng thành”. Để “trang trải” cho quá trình “tự ứng cử”, L.T.H. còn lên trang mạng cá nhân kêu gọi ủng hộ 76 triệu đồng để “vận động bầu cử”. Người này viết đơn yêu cầu cơ quan chức năng bảo vệ, tạo điều kiện trong quá trình tranh cử. Trò hề của L.T.H. cũng đã gây tò mò với một số người, tuy nhiên nhiều người đã dành thời gian tìm hiểu động cơ, “chương trình tranh cử” của L.T.H., và nhận thấy nội dung chỉ là xào nấu lại mớ luận điệu lạc lõng như: xuyên tạc Hiến pháp 2013, đòi xây dựng cái gọi là “nhà nước pháp quyền hợp hiến” (bản chất là học đòi mô hình tam quyền phân lập), cổ súy thành lập các tổ chức chống phá dưới nhãn hiệu “câu lạc bộ công dân”. Đáng chú ý ngoài mặt, những đối tượng này tự nhận là “ứng viên tự do”, “ứng viên độc lập” và không quen biết nhau, nhưng thực tế lại cho thấy họ có quan hệ rất đáng ngờ. Bởi trên mạng xã hội có hiện tượng người này viết bài, đăng tải, chia sẻ video tâng bốc, đánh bóng kẻ kia là “nhân sĩ, trí thức”, có “phẩm chất” ngay thẳng đã “dám đứng lên chống lại áp bức, bất công”, và rồi được kẻ kia khen lại. Không chỉ vậy, nhóm người này còn hùa nhau bới móc, tấn công đời tư, xúc phạm bằng ngôn từ nặng nề đối với một số ĐBQH khóa XIV vốn là người tự ứng cử, hoặc là đại biểu ngoài Đảng.
Để chứng tỏ tư cách tự ứng cử ĐBQH, số người này luôn cố thể hiện là người “hiểu biết pháp luật”. Song dường như họ cố tình bỏ qua tiêu chuẩn ĐBQH với quy định cụ thể tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi năm 2014) đó là: “1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. 3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. 4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm. 5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội”. Xét từ những tiêu chí này, phải nói rằng họ chỉ là công dân có “hạnh kiểm kém”, vì thường xuyên vi phạm pháp luật. Cụ thể năm 2016, Lê Đình Hà, Nguyễn Tường Thụy đã làm hồ sơ tự ứng cử ĐBQH khóa XIV, nhưng theo nhận xét của chính quyền địa phương thì Lê Đình Hà từng tụ tập đông người, trái pháp luật 12 lần ở địa bàn công cộng thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) và UBND phường Lý Thái Tổ nhận xét là “công dân không gương mẫu”; Nguyễn Tường Thụy thì không hề tham gia bất kỳ hoạt động xã hội nào ở địa phương, hai lần bị Công an quận Hoàn Kiếm quyết định xử phạt vi phạm hành chính (hiện Nguyễn Tường Thụy đang thi hành án 11 năm tù về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước). Với “thành tích” như vậy, đương nhiên họ đã phải nhận tín nhiệm thấp từ chính quyền địa phương và đa số từ cử tri ở nơi họ cư trú.
Đến kỳ bầu cử ĐBQH lần thứ XV cũng vậy, xem xét hồ sơ của “ứng viên tự do” Trần Quốc Khánh (T.Q.K.), L.T.H. thì cũng không có mấy khác biệt. Theo tài liệu từ Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Ninh Bình, từ năm 2018 đến 2020, T.Q.K. sử dụng Facebook cá nhân để phát trực tiếp (livestream) video bịa đặt, phỉ báng chính quyền nhân dân, gây hoang mang, mất niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Tương tự, L.T.H. cùng đồng bọn mở “kênh truyền hình”, mạo xưng là “nhà báo tự do” để lôi kéo, kích động người dân khiếu kiện sai sự thật, bôi nhọ cơ quan hành chính địa phương… Do hành vi sai phạm ở mức đặc biệt nghiêm trọng, có tính hệ thống, diễn ra trong thời gian dài, nên T.Q.K. và L.T.H. đã bị cơ quan pháp luật khởi tố, bắt tạm giam để điều tra. Đó là việc làm thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, xã hội, được dư luận xã hội và người dân đồng tình, ủng hộ. Cũng vì thế, trước các vụ việc rõ ràng, cụ thể như vậy, chỉ có lối “truyền thông đen” của VOA, BBC, RFA, tổ chức khủng bố “Việt tân”,… mới cố tình phủ nhận làm chệch hướng dư luận, ngụy tạo ra chuyện người dân bị gây khó dễ, “bị khởi tố do tham gia tự ứng cử ĐBQH”. Cũng cần phải lên án một số người, do nhận thức còn non kém hoặc có toan tính riêng, nên đã tiếp tay cho luận điệu này, mà tiêu biểu là N.Đ.C.. Người này nộp đơn tự ứng cử ĐBQH, khi không qua được vòng hội nghị cử tri ở nơi cư trú, ông ta lên mạng xã hội cho rằng cuộc họp được “tổ chức nghiêm ngặt”, “ý kiến đã được chuẩn bị trước” nhằm loại ông ta vì tuổi cao, sức yếu. Vậy là để đáp lại tình cảm và lời khuyên chân tình của bà con khối phố, ông N.Đ.C. lại nghĩ ra và kết luận kịch bản hội nghị mang tính chất “đấu tố, vùi dập cá nhân” đối với ông!
Từ kết thúc bẽ bàng của chiêu trò “tự ứng cử”, của các thế lực thù địch và các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đã phần nào cho thấy một sự thật là đại đa số công dân Việt Nam đang sống ở trong và ngoài nước luôn thể hiện rõ quan điểm và chính kiến của mình, luôn tỉnh táo để nhận diện các “nhân vật tai tiếng” đã lợi dụng tự do, dân chủ để phá hoại quá trình phát triển đất nước, kiếm tìm lợi ích cho bản thân. Tuy nhiên, với mục đích và mưu đồ đen tối sẵn có với sự hậu thuẫn về tài chính, vật lực từ các “quỹ hỗ trợ dân chủ”, thời gian tới các hoạt động “đấu tranh giả hiệu” còn tiếp tục tái diễn. Vì vậy, hơn lúc nào hết, khi kỳ bầu cử đang tới gần, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước các mưu đồ, chiêu trò thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, bất mãn chính trị nhằm phá hoại tư tưởng, chia rẽ nội bộ, phá hoại sự ổn định và đoàn kết của đất nước, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, mỗi người dân cũng cần cẩn trọng đối với phát ngôn và hành vi của mình, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, đồng thời có ý thức đấu tranh, lên án đối với những luận điệu, hành động sai trái, thù địch… Đó cũng là vấn đề cần quan tâm để toàn dân tiếp tục đóng góp xây dựng Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tính đến nay, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 14 khóa, và luôn xứng đáng với kỳ vọng, yêu cầu của nhân dân khi đưa ra các quyết sách đúng đắn về những vấn đề trọng đại của đất nước, giám sát tối cao với mọi hoạt động của Nhà nước. Khi tham gia bầu cử ĐBQH khóa XV, mỗi cử tri cần ý thức nghiêm túc về vai trò, trách nhiệm công dân để chọn ra các đại biểu xuất sắc, hết mình vì Tổ quốc, vì nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được cử tri giao phó. Làm tốt điều này cũng là góp phần đập tan những thủ đoạn, âm mưu xấu xa mà các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đang tiến hành. Bên cạnh đó, để góp phần vào thành công của bầu cử ĐBQH khóa XV, hệ thống báo chí, truyền thông cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, phổ biến thông tin kịp thời, chính xác, đồng thời kiên quyết đấu tranh vạch trần luận điệu sai trái, xuyên tạc, chống phá bầu cử.
Quang Minh (Báo Nhân dân điện tử)