Càng gần đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, các thế lực thù địch càng đẩy mạnh việc xuyên tạc công tác tổ chức bầu cử, đòi “dân chủ trong bầu cử”, kêu gọi “Đảng không can thiệp vào bầu cử”, “tẩy chay bầu cử”(?!),… So với những lần bầu cử trước đây thì mức độ chống phá của các thế lực thù địch nước ngoài và cơ hội chính trị trong nước tại cuộc bầu cử này có diễn biến mới, trắng trợn, thâm độc và lan rộng trên mạng xã hội.
Linh mục lại giở trò lợi dụng tôn giáo để phá hoại 'Ngày hội của toàn dân'
Mượn cớ dân chủ hòng phá hoại 'Ngày hội của toàn dân'
Hãy dừng ngay hành vi 'uy hiếp' một đứa trẻ giật 'tấm vải vàng 3 sọc đỏ'
Kiểm điểm đối tượng tham gia tổ chức khủng bố lưu vong ở nước ngoài
Mưu đồ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội
Một số đối tượng đòi “mở rộng dân chủ” trong hoạt động bầu cử và hoạt động của Quốc hội để từ đó, đưa ra những yêu sách, luận điệu hoàn toàn sai trái, như đòi Quốc hội phải độc lập với Đảng; cho rằng, Đảng lãnh đạo Quốc hội là đứng ngoài và đứng trên luật pháp; Đảng lãnh đạo Quốc hội là biểu hiện của mất dân chủ; đòi phải cân bằng quyền lực giữa Quốc hội và Đảng nên cần có ít nhất 50% đại biểu Quốc hội (ĐBQH) không phải là đảng viên, vì theo họ, chỉ có đại biểu Quốc hội không phải là đảng viên mới đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, còn đại biểu Quốc hội là đảng viên thì chỉ bảo vệ ý chí của Đảng(?!)
Những người nói trên đã không biết hoặc cố tình không biết Nhà nước mà chúng ta đang xây dựng là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; do đó, mọi hoạt động trong xã hội đều phải thượng tôn pháp luật, không chấp nhận bất cứ một hoạt động nào trái pháp luật. Pháp luật nước ta đã quy định, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Cụ thể, tại khoản 1, Điều 4, Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”(1). Như thế, việc Đảng lãnh đạo Nhà nước, trong đó có Quốc hội - một cơ quan của Nhà nước - đã được khẳng định trong Hiến pháp; cho nên, không thể có việc Quốc hội độc lập hoặc thậm chí đối lập với Đảng như yêu sách của các thế lực thù địch, của một số phần tử chống đối hoặc một số người không am hiểu pháp luật. Và như vậy, Đảng lãnh đạo công tác bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân (HĐND) là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.
Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho cử tri, toàn thể nhân dân, nên việc Đảng lãnh đạo Quốc hội chính là để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật, từ đó đưa vào thực tiễn cuộc sống. Đảng lãnh đạo Quốc hội trực tiếp, toàn diện, nhưng không làm thay, mà Đảng lãnh đạo Quốc hội là để phát huy vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, phát huy trí tuệ của Đảng Đoàn Quốc hội, các đoàn ĐBQH, từng ĐBQH và thực hiện ý nguyện của nhân dân. Hoạt động của Quốc hội (lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước) đồng thời sẽ tác động trở lại đối với sự lãnh đạo của Đảng trong việc đề ra các chủ trương, chính sách mới, để đưa đất nước ngày càng phát triển. Một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng là thông qua tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan nhà nước, do đó Đảng phải lựa chọn và giới thiệu được những đảng viên ưu tú của mình để bầu cử hoặc bổ nhiệm vào bộ máy nhà nước, trong đó có lãnh đạo việc giới thiệu đảng viên ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp. Đảng viên được bầu làm ĐBQH nhìn chung đều có trình độ, có tri thức, có đạo đức, có vị trí, vai trò nhất định trong thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông qua hoạt động của mình, các đảng viên giữ các vị trí quan trọng trong xã hội vừa tham gia giải quyết những vấn đề của Quốc hội, vừa thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng. Muốn nâng cao chất lượng công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần định hướng, xây dựng các ĐBQH, đội ngũ cán bộ hoạt động tại Quốc hội có nhận thức chính trị vững vàng, đạo đức tốt, có tri thức và chuyên môn sâu.
Quan điểm cho rằng, chỉ có người ngoài Đảng mới đại diện tốt cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, còn ĐBQH là đảng viên, không đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, là hoàn toàn sai lầm. Bởi vì, bản chất cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là cầm quyền vì lợi ích của nhân dân, đại diện cho lợi ích chính đáng của nhân dân, cầm quyền theo pháp luật, dân chủ và khoa học. Đảng cầm quyền không có mục đích nào khác ngoài sự phồn vinh của đất nước và vì hạnh phúc của nhân dân. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời tới nay, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, mọi thành tựu của đất nước Việt Nam, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam đều có vai trò lãnh đạo quan trọng của Đảng. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” là phương thức vận hành tổng thể của hệ thống chính trị Việt Nam. Cơ chế này là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Đảng, Nhà nước và quần chúng nhân dân; đồng thời, xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới. Vì thế, các đảng viên là ĐBQH không chỉ để bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, mà còn là đại diện chân chính cho tiếng nói, lợi ích chính đáng của nhân dân.
Trong những năm qua, Quốc hội, với đa số đại biểu là đảng viên, đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đóng góp tích cực về trí tuệ, công sức vào công cuộc phát triển đất nước, thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ cho quyền, nguyện vọng và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cử tri và nhân dân. Hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, với các hoạt động chất vấn, tranh luận rất sôi nổi, hiệu quả tại nghị trường, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, đánh giá cao. Bên cạnh đó, các ĐBQH không phải là đảng viên cũng đã tham gia tích cực, hiệu quả vào hoạt động của Quốc hội. Bởi vậy, việc những người ngoài Đảng tham gia ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp là hoàn toàn hợp pháp. Nếu hội đủ các tiêu chuẩn, được sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân theo các quy định trong hiệp thương, bầu cử thì người không phải là đảng viên đều có thể trở thành ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp. “Cánh cửa” của Quốc hội và HĐND các cấp luôn rộng mở đối với những người ngoài Đảng.
Đằng sau chiêu trò “tự ứng cử”
Từ Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam (năm 1946) cho đến tất cả những bản Hiến pháp sau này đều quy định rất rõ: Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử, từ đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Thế nhưng, việc thực hiện các quyền này phải do luật định. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định công dân Việt Nam đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Người ứng cử ĐBQH phải đáp ứng các tiêu chuẩn của ĐBQH quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội. Người ứng cử đại biểu HĐND phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu HĐND quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Luật còn quy định rõ: Người tự ứng cử nộp hai bộ hồ sơ ứng cử tại ủy ban bầu cử ở tỉnh nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên (điểm b, khoản 1, Điều 36, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND). Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20-6-2020, của Bộ Chính trị, “Về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026” cũng nêu rõ: “Bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật”(2).
Thực tế trong các nhiệm kỳ vừa qua, có nhiều người tự ứng cử được cử tri nơi cư trú tín nhiệm cao, vượt qua các vòng hiệp thương để vào danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND và được cử tri nơi ứng cử tín nhiệm bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND. Danh sách cụ thể những người tự ứng cử đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND và danh sách những người tự ứng cử được bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND các nhiệm kỳ đều công khai, rất dễ tìm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thế nhưng, một số người vẫn cố tình rêu rao rằng, “ở Việt Nam không thể tự ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND”(?!).
Trong kỳ bầu cử này, có nhiều người đăng ký tự ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Thế nhưng, theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, người ứng cử ĐBQH phải đáp ứng tiêu chuẩn của ĐBQH theo quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội; người ứng cử đại biểu HĐND phải đáp ứng tiêu chuẩn của đại biểu HĐND được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Do vậy, chỉ những người ứng cử đáp ứng đủ tiêu chuẩn mới có tên trong danh sách sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3. Theo quy định, cử tri nơi cư trú hoặc cử tri nơi công tác sẽ nhận xét người ứng cử có đủ tiêu chuẩn ứng cử hay không và trực tiếp biểu quyết nhất trí hay không nhất trí để người đó ứng cử ĐBQH/đại biểu HĐND. Kết quả của hội nghị cử tri là một trong những căn cứ quan trọng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương và quyết định điền tên người ứng cử vào danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng cử hay không. Đây là quy trình rất chặt chẽ, dân chủ, nhằm sàng lọc và loại bỏ những người ứng cử không đủ tiêu chuẩn làm ĐBQH, đại biểu HĐND từ trước khi bầu cử.
Những phần tử chống đối, phá hoại bầu cử biết rất rõ mình không thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn của ĐBQH, đại biểu HĐND, đặc biệt là các tiêu chuẩn, như trung thành với Hiến pháp; gương mẫu chấp hành pháp luật… Ngay những hành vi chống phá Đảng, không công nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống phá Nhà nước mà họ thực hiện đã thể hiện rất rõ sự vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Vì thế, họ rất sợ các quy trình về hiệp thương, tổ chức lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú. Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, nguyên tắc nghị sĩ/ĐBQH phải trung thành với Hiến pháp, tuân thủ pháp luật được áp dụng phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới.
Hơn ai hết, cử tri nơi người ứng cử cư trú hiểu rõ về người ứng cử đó nhất. Nếu người ứng cử thực sự có đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành pháp luật thì không có lý do gì phải e ngại việc lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú. Quy định về tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri cũng thể hiện rõ tính khách quan. Cụ thể, theo hướng dẫn của Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14, ngày 11-1-2021, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, “Quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung”, hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú được tổ chức tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố nơi người ứng cử thường trú hoặc tạm trú. Đối với nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể cử tri và phải bảo đảm số lượng cử tri tham dự đạt ít nhất 50% tổng số cử tri được triệu tập. Đối với nơi có từ 100 cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị cử tri đại diện hộ gia đình và phải bảo đảm có ít nhất 55 cử tri tham dự hội nghị. Quy định như vậy để giúp hội nghị cử tri nơi cư trú cho ý kiến khách quan nhất, toàn diện nhất về người ứng cử.
Quy định dân chủ, khách quan và minh bạch như vậy, nhưng những phần tử chống phá đội lốt “người tự ứng cử” lại lên tiếng rêu rao trên mạng xã hội và một số trang thông tin nước ngoài rằng, hội nghị cử tri nơi cư trú là nơi để đấu tố, lên án, loại bỏ người tự ứng cử. Điều nực cười là, những kẻ đội lốt “người tự ứng cử” để chống phá Đảng, chống phá Nhà nước, phá hoại bầu cử dù rất “tự tin” trưng ra những bản tập hợp chữ ký ảo trên mạng để giới thiệu ứng cử, nhưng khi đứng trước cử tri thật ở chính nơi họ cư trú thì lại tỏ ra run sợ. Riêng điều này đã thể hiện rõ sự lòe bịp của họ về những bản “tập hợp chữ ký” và thể hiện rõ uy tín của họ ở nơi cư trú thảm hại đến mức nào! Đến cử tri nơi họ cư trú còn không muốn để họ lọt vào danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng cử, vậy mà họ còn muốn “ra oai” đại diện cho cử tri cả nước được sao? Khi không vượt qua được hội nghị cử tri nơi cư trú, họ lu loa xuyên tạc rằng, hội nghị cử tri chỉ là nơi đấu tố, lên án họ để loại họ ngay từ vòng đầu (?!)
Vậy, đằng sau chiêu trò “tự ứng cử” của các phần tử chống đối, phá hoại là gì? Họ “tự ứng cử” với hy vọng hão huyền rằng, nếu trúng cử sẽ biến Quốc hội, HĐND trở thành diễn đàn cho họ thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, chống phá Nhà nước, gây rối hoạt động của cơ quan dân cử nói riêng và của Nhà nước nói chung; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” ngay trong cơ quan dân cử của nước ta. Khi không thực hiện được ý đồ của mình, họ quay ra bịa đặt, xuyên tạc để phá hoại bầu cử. Đến khi họ bị các cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam về hành vi tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của pháp luật thì các thế lực thù địch lại rêu rao “những cá nhân này bị khởi tố, bắt tạm giam là do “tự ứng cử”(?!).
Tuy nhiên, dù dùng âm mưu, thủ đoạn thâm độc, nham hiểm đến mức nào, họ cũng không thể đánh lừa được cử tri. Bằng chứng là, dù đợt bầu cử nào họ cũng “khua chiêng gõ trống”, ra sức “tự ứng cử”, nhưng đều bị cử tri nơi cư trú thẳng thừng không chấp nhận.
Để ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội của toàn dân
Ngày 23-5-2021 tới đây, cử tri cả nước sẽ thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình là đi bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Để có quyền bầu cử, cả dân tộc, toàn thể nhân dân ta đã phải đấu tranh, hy sinh biết bao xương máu mới có được. Quyền bầu cử là quy định của pháp luật về khả năng của công dân thực hiện quyền lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực của Nhà nước. Quyền bầu cử bao gồm việc đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu, tức là quyền chủ động trong lựa chọn của công dân. Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, để thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập ra bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội. Các cử tri được bầu cử trực tiếp các đại diện của mình ở các cơ quan dân cử, từ cấp cơ sở đến Quốc hội.
Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp thực sự là một ngày hội của toàn dân, bởi sự kiện chính trị trọng đại này là nơi thể hiện rõ nhất quyền làm chủ của nhân dân, tính ưu việt của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, để bầu những người thực sự tiêu biểu, xứng đáng, bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, đại diện cho mọi tầng lớp, thành phần, dân tộc, giới… Là một quốc gia có nhiều dân tộc thiểu số, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến điều này. Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND hiện hành (Luật số: 85/2015/QH13) quy định: Số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số. Thực tế trong nhiều nhiệm kỳ qua, tỷ lệ ĐBQH là người dân tộc thiểu số luôn cao hơn tỷ lệ dân số. Nhiệm kỳ khóa XI, số đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm 17,2%; nhiệm kỳ khóa XIV, chiếm 17,3%; ứng cử viên ĐBQH khóa XV là 21,31%; trong khi đó, tỷ lệ dân số của 53 dân tộc thiểu số chỉ chiếm khoảng 14,7% dân số Việt Nam.
Phù hợp với xu hướng tiến bộ xã hội, nâng cao vai trò của phụ nữ, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND hiện hành quy định: Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử ĐBQH do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ. Trong cuộc bầu cử ĐBQH sắp tới, người ứng cử là phụ nữ chiếm tỷ lệ tới 45,28%. Theo báo cáo của Quỹ Phát triển Phụ nữ Liên hợp quốc (UNIFEM), tỷ lệ nữ ĐBQH của Việt Nam trong những nhiệm kỳ gần đây cao hơn nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra trong bối cảnh nước ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Để ngày bầu cử sắp tới thực sự trở thành ngày hội của toàn dân, các cấp, các ngành và các địa phương cần thực hiện tốt một số việc sau đây:
Một là, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử. Công tác tuyên truyền bầu cử phải đúng sự chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và Hội đồng Bầu cử quốc gia, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương, hình thức; tạo không khí phấn khởi trong nhân dân; gắn với triển khai thực hiện nhiệm vụ của đất nước, bộ, ngành, địa phương, đơn vị và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Chú trọng tuyên truyền các quy định của pháp luật về bầu cử, tuyên truyền công tác chuẩn bị bầu cử và không khí dân chủ, đúng pháp luật trong bầu cử, nhất là ý thức tự giác trong thực hiện quyền lợi và trách nhiệm của cử tri.
Hai là, cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp cần đặc biệt coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác bầu cử (chuẩn bị tổ chức và quá trình thực hiện). Chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho các ứng cử viên tiến hành vận động bầu cử và tổ chức thật tốt các khâu, các bước tiến tới cuộc bầu cử; vận động cử tri đi bầu với tỷ lệ cao nhất; tổ chức tốt việc niêm yết danh sách cử tri; danh sách, tiểu sử những ứng cử viên ĐBQH, HĐND các cấp; các quy định về trình tự, thể thức, địa điểm bầu cử, thời gian đi bỏ phiếu…
Ba là, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần tổ chức phát động phong trào thi đua yêu nước gắn với các hoạt động chào mừng; biểu dương kịp thời những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử, nhất là bầu cử ở nơi biên giới, hải đảo, các vùng còn nhiều khó khăn, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo.
Bốn là, có các kế hoạch bảo đảm an toàn cho công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhất là các kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, y tế; phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, bão lũ; phòng, chống cháy nổ, an toàn, vệ sinh thực phẩm…
Năm là, kiên quyết đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để kích động, gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước./.
-----------------------
(1) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr. 9
(2) Xem https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/chi-thi-so-45-cttw-ngay-2062020-cua-bo-chinh-tri-ve-lanh-dao-cuoc-bau-cu-dai-bieu-quoc-hoi-khoa-xv-va-bau-cu-6484
Đại tá, Đỗ Phú Thọ (Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân/Tạp chí Cộng sản)