Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về một số giải pháp phòng, chống đại dịch Covid-19. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp cận đa dạng các nguồn vaccine, tránh tâm lý chờ đợi, lựa chọn vaccine, có loại nào phải dùng ngay loại đó trên tinh thần kịp thời, an toàn, hiệu quả.
Không phải bỗng dưng mà người đứng đầu Chính phủ đưa ra ý kiến chỉ đạo như vậy. Thời gian gần đây, trong nhân dân và ngay cả một số cơ quan, đơn vị xuất hiện tâm lý lo lắng, bài xích một số loại vaccine phòng chống Covid-19 của một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Họ “rỉ tai” nhau loại vaccine này tốt, ít tác dụng phụ, loại kia nguy hiểm...
Tới thời điểm này, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các chuyên gia về vaccine cả trong nước và quốc tế đều chưa đưa ra bất cứ bằng chứng khoa học nào để khẳng định vaccine phòng chống Covid-19 của hãng này tốt hơn hãng kia, của nước này tốt hơn nước khác. WHO khuyến cáo sử dụng tất cả các loại vaccine đã được cấp phép sử dụng.
Tất nhiên, cả trong nước và quốc tế đã xảy ra một vài trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine phòng chống Covid-19, nhưng so với tổng số người đã tiêm phòng trên cả thế giới thì đó là một tỷ lệ rất nhỏ, không đáng kể. Hơn nữa, tỷ lệ tử vong cũng được “chia đều” cho các loại vaccine của các quốc gia, chứ không tập trung vào loại nhất định nào.
Vì thế, đừng vì những lời đồn đại, truyền tai mà sinh ra tâm lý hoang mang, từ chối tiêm loại vaccine hiện đang có sẵn để chờ... “loại tốt hơn”.
Bản chất của việc tiêm vaccine vốn đã có tỉ lệ rủi ro, với bất kể loại bệnh nào chứ không riêng vaccine phòng chống đại dịch Covid-19. Với bất cứ loại vaccine bệnh nào, nếu cơ thể phản ứng thái quá (sốc phản vệ) mà không cấp cứu kịp đều có thể tử vong.
Nói như vậy để thấy rằng, việc xảy ra rủi ro với tỉ lệ rất nhỏ không quá đáng sợ như mọi người hình dung, hay một số đối tượng trên mạng xã hội “dọa nạt”. Nên hiểu rằng tất cả các loại vaccine khi được cấp phép lưu hành có nghĩa đã đảm bảo cơ sở khoa học về độ an toàn.
Như vậy có nghĩa, dù là vaccine phòng chống đại dịch Covid-19 của nước A, hay nước B sản xuất, khi đã được cơ quan y tế nước sở tại và WHO công nhận, cho phép lưu hành trên thế giới thì đều có độ an toàn cao. Mọi luận điệu bài xích loại vaccine này, chê bai loại vaccine kia đều là fake new, mang ý đồ xấu, thiếu thiện chí.
Lời khuyên của các chuyên gia y tế, của cơ quan quản lý nhà nước là mọi người dân nếu có thể thì hãy chủ động tiếp cận với các loại vaccine phòng chống đại dịch Covid-19 hiện có. Chớ có vì những lời nói vô căn cứ, những bản tin giả trên mạng xã hội mà khước từ quyền được bảo vệ bản thân, gia đình và toàn xã hội trước đại dịch nguy hiểm này.
Hiện, vaccine đang được coi là vũ khí chủ lực trong chiến lược “5K plus” để phòng chống đại dịch Covid-19. Nếu chỉ có biện pháp 5K thì chúng ta luôn ở thế bị động trước “giặc dịch”, nhưng nếu triển khai nhanh và mạnh việc tiêm vaccine tiến tới miễn dịch cộng đồng thì có thể dễ dàng kiểm soát, khống chế, đẩy lùi đại dịch nguy hiểm này.
Chiến lược “5K+” thực chất là tạo ra nhiều lớp bảo vệ con người trước SARS-CoV-2. Thực tế cho thấy, một số bác sĩ thường xuyên đeo khẩu trang, khử khuẩn... vẫn bị lây nhiễm Covid-19 từ người bệnh. Do đó, việc tăng thêm biện pháp bảo hộ là tiêm vaccine phòng ngừa thì tỷ lệ an toàn sẽ cao hơn, khả năng lây nhiễm Covid-19 giảm đi rất nhiều.
Đó chính là lý do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra yêu cầu không chờ đợi, kén chọn loại vaccine phòng chống Covid-19, mà phải tiếp cận đa dạng các loại vaccine, càng nhanh càng tốt để tiến tới miễn dịch cộng đồng. Chỉ với chiến lược phòng chống: 5K + vaccine, mới có thể “sống chung” với đại dịch nguy hiểm chết người này.
Vậy nên, mỗi cá nhân, cơ quan, đơn vị đừng vì “cái tôi” của mình mà “kén cá chọn canh” đòi hỏi phải được tiêm loại vaccine này, không tiêm loại vaccine kia, ảnh hưởng tới công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 của cả cộng đồng.
Tinh Anh (Báo Đại đoàn kết điện tử)