Hằng ngày, chứng kiến sự lấn lướt của những nội dung giật gân, chưa được kiểm chứng, sự tràn lan của loại thông tin nhảm nhí, độc hại trên mạng xã hội, nhiều người không khỏi lo âu, e ngại, thậm chí phẫn nộ. Tuy nhiên, bên cạnh đó không gian mạng cũng chuyển tải, lan tỏa nhiều thông tin, trào lưu lành mạnh, nhân văn, truyền cảm hứng,... Ðiều đó cho thấy cùng với việc xây dựng chuẩn mực đạo đức trên không gian mạng, sự chủ động để hình thành thói quen tích cực trong ứng xử của người dùng là rất cần thiết để góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, văn minh.
>>Trơ tráo ‘bẻ lái’ nhân quyền Việt Nam bằng những ngôn từ sáo rỗng
>>Lộ rõ chiêu trò kích động từ vụ bất ổn ở Cu Ba
>>Cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng biểu tình tại Cuba để kích động chống phá
>>Thực tiễn sinh động về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
Hình thành, phát triển chưa lâu nhưng mạng xã hội đang ngày càng cho thấy tầm ảnh hưởng cũng như những tác động sâu rộng về mặt xã hội. Số lượng người dùng không ngừng gia tăng, các trào lưu liên tục hình thành, thu hút nhiều người tham gia, tương tác, và tác động trở lại đời sống xã hội, bao gồm cả mặt tích cực và tiêu cực. Ðiều này đặt ra yêu cầu về việc sử dụng mạng xã hội phải tuân thủ quy định của pháp luật, chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục, trên cơ sở đó từng bước xây dựng, lan tỏa các giá trị đích thực.
Không phủ nhận một thực tế là hằng ngày trên không gian mạng ảo xuất hiện vô số trào lưu phản cảm, nhảm nhí hay xu hướng gây hấn, phát ngôn thù ghét, sử dụng mạng xã hội để tiến công tổ chức hoặc cá nhân có chiều hướng gia tăng, gây nhiều lo ngại. Tuy nhiên, những việc làm tốt đẹp cũng luôn hiện diện và được lan tỏa từng ngày trên mạng xã hội. Thời gian ứng phó với đại dịch Covid-19 vừa qua, trong khi nhiều hoạt động phải tạm ngưng, tác động không nhỏ đến đời sống cộng đồng, lập tức trên mạng xã hội xuất hiện các trào lưu sống tích cực khuyến khích mọi người thích ứng với tình hình mới như: ở nhà là yêu nước, thực hiện “vũ điệu rửa tay”, thử thách ở nhà 15 ngày, 14 ngày thay đổi bản thân, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, chung tay cùng các nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch bằng những việc làm thiết thực, nhường cơm sẻ áo với người gặp khó khăn, “Sài Gòn cùng nhau nấu cơm”,... đã thu hút nhiều cư dân mạng tham gia. Tiêu biểu như “Vũ điệu rửa tay” (sáng tác dựa trên ca khúc Ghen cô Vy) của vũ công Quang Ðăng, chỉ sau 13 giờ đăng tải đã thu hút 10.000 lượt tương tác, trở thành hiện tượng mạng, được bạn bè quốc tế quan tâm, học hỏi nhất là sau khi xuất hiện trong chương trình Late Week Tonight with John Oliver (Tối cuối tuần với Giôn Ô-li-vơ) phát trên kênh HBO ngày 1/3/2020.
Liệu có thể xây dựng một không gian mạng là nơi các giá trị đích thực được tôn vinh, niềm tin của cộng đồng được gửi gắm? Câu trả lời là hoàn toàn có thể xây dựng được. Vì thực chất mạng xã hội là ứng dụng trên nền tảng internet giúp con người dễ dàng kết nối từ bất cứ đâu để đáp ứng nhu cầu của bản thân. Không chỉ đọc tin tức, người sử dụng còn có thể tự tạo cho mình tài khoản riêng để đăng tải thông tin, tham gia bình luận, bày tỏ ý kiến về vấn đề của đời sống, chia sẻ nội dung quan tâm... Tức là mọi hoạt động, nội dung đăng tải trên mạng đều do chính người dùng đã tạo ra.
BÀI LIÊN QUAN:
>>Tự do ngôn luận trong quan hệ với luật pháp (bài 1)
>>Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng mạng xã hội (bài 2)
Mong muốn sử dụng quyền tự do ngôn luận để thiết lập môi trường văn minh trên mạng đồng nghĩa với việc chính các netizen (cư dân mạng) phải thay đổi. Lâu nay, việc tiếp nhận, ứng xử với các trào lưu trên mạng xã hội hầu như còn mang tính thụ động. Từ đó nảy sinh nhiều bất cập, nhất là với những xu hướng không lành mạnh, tác động không nhỏ đến giới trẻ. Các biện pháp xử lý mới giải quyết được phần ngọn mà chưa ngăn chặn tận gốc vấn đề. Thực trạng này chỉ có thể thay đổi nếu chủ động tạo ra các trào lưu hữu ích, đăng tải các thông tin tích cực, tôn vinh tấm gương người tốt, việc tốt, lan tỏa những câu chuyện truyền cảm hứng; chủ động ngăn chặn những nội dung độc hại, những phát ngôn, hành vi phản cảm; chủ động giáo dục, tuyên truyền trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ kỹ năng sử dụng mạng xã hội văn minh, an toàn. Thời gian qua, sự chủ động của nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng trong việc đăng tải nội dung nhằm lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế,... đã đem tới nhiều kết quả đáng mừng. Cụ thể như năm 2016, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Công ty TNHH Vntrip.vn tổ chức chương trình #WhyVietnam quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng mạng xã hội. Chỉ trong ba tuần, #WhyVietnam nhận được hàng nghìn bức ảnh đẹp về con người, đất nước Việt Nam, hàng trăm bài báo, với hàng triệu lượt chia sẻ và sự hưởng ứng của đông đảo nghệ sĩ,... đã lan tỏa rất mạnh mẽ trên các trang mạng như Facebook, Instagram, Twitter, YouTube... Chương trình thật sự tạo thành một làn sóng yêu nước rộng khắp trên các mạng xã hội. Hay phong trào “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” do Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phát động trên mạng xã hội năm 2019 với mục tiêu thông qua các thông tin tốt, những hình ảnh đẹp, câu chuyện mang giá trị nhân bản, lối sống nhân văn nhằm tạo ra xu hướng tích cực trên mạng xã hội về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, đồng thời giúp “cạnh tranh” và lấn át trước những thông tin xấu, độc. Sau một năm thực hiện, cả nước có 61.330 tổ chức Ðoàn ở cơ sở có trang Facebook với hàng trăm nghìn tin tốt, câu chuyện đẹp được tuyên truyền. Mới đây, tháng 5/2021, trend #toidibaucu cùng vũ điệu bầu cử nằm trong chiến dịch “Tôi đi bầu cử” do Ðài Truyền hình Việt Nam phát động đã thu hút hàng chục triệu người tham gia, hưởng ứng. Những thành công bước đầu này cho thấy nếu biết phát huy lợi thế, sức mạnh của không gian mạng, chúng ta hoàn toàn có thể lan tỏa những giá trị tích cực trong cộng đồng.
Trong khi vẫn có không ít đơn vị, tổ chức còn dè dặt, thận trọng trong việc khai thác tính ưu việt của mạng xã hội, thì ngược lại, sự mạnh dạn, chủ động nhập cuộc của nhiều cá nhân đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo của môi trường mạng. Thông qua nội dung được đăng tải, nhiều YouTuber, Facebooker, Vlogger đã truyền đi thông điệp về một xu hướng sống tích cực, hướng đến những giá trị nhân văn, niềm tự hào dân tộc. Dù mang tính tự phát, nhưng rất cần khen ngợi nhiều đoạn phim trên mạng đã góp phần xây dựng hình ảnh tươi đẹp của đất nước. Có thể kể đến các trang YouTube tiêu biểu như: Ẩm thực mẹ làm, Khoai Lang Thang, Hoàng Nam - Challenge Me - Hãy thách thức tôi, Ninh Tito Channel, Sunny Vietnam, Vuong Anh’s Cooking Journey... Thí dụ kênh Challenge Me - Hãy thách thức tôi, làm dưới dạng loạt phim ngắn có nội dung khám phá thực tế dẫn dắt người xem tham gia hành trình khám phá, vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam. Hoặc cùng chủ đề ẩm thực, du lịch, các trang Vuong Anh’s Cooking Journey, Ninh Tito Channel,... đưa người xem đến những vùng miền văn hóa, chia sẻ các cảm nhận riêng, tạo dấu ấn khó quên. Ẩm thực mẹ làm lại là một góc tiếp cận khác về cuộc sống của người dân Việt Nam ở các vùng thôn quê, bình dị, mộc mạc mà chứa chan tình người. Hoặc trong các hoạt động thiện nguyện, sự xuất hiện của những trang như Quang Linh Vlogs - Cuộc sống ở châu Phi góp phần hướng người sử dụng mạng đến những giá trị tốt đẹp mà một số người Việt Nam trẻ tuổi đã thể hiện trong khi chung tay chia sẻ, giúp đỡ khó khăn của người khác. Vì thế, thành công của nhiều trang cá nhân đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Tháng 9/2020, dự án truyền thông quảng bá văn hóa - du lịch Việt Nam có tên Sunny Vietnam thực hiện trên YouTube đã vinh dự nhận giải 3 cuộc thi clip giới thiệu du lịch Việt Nam với chủ đề “Vietnam NOW” do Tổng cục Du lịch tổ chức. Hoặc trang Ẩm thực mẹ làm cũng vinh dự trở thành một trong những đại diện của Việt Nam tham dự YouTube FanFest (lễ hội âm nhạc nổi tiếng toàn cầu) năm 2020.
Các thành công nêu trên cho thấy hiệu quả to lớn từ việc phát huy tính chủ động, sự sáng tạo của mỗi tổ chức, đơn vị, cá nhân trên mạng xã hội, góp phần tôn vinh hình ảnh đất nước. Sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp 4.0 đang thật sự vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Ðể kiến tạo một môi trường mạng văn minh, an toàn, cần có sự chung tay của mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội, trong đó mỗi người dân cần nhận thức đúng đắn về tự do ngôn luận, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, từ đó phát huy tính chủ động, tích cực của bản thân. Bên cạnh việc phê phán, ngăn chặn những trào lưu nhảm nhí, độc hại, các hành vi phản cảm, việc thực hành chuẩn mực đạo đức trên không gian mạng, tích cực lan tỏa các trào lưu, xu hướng lành mạnh sẽ là một điều kiện quan trọng để xây dựng một xã hội văn minh.
Hà Yên-Quang Minh-Thành Nam (báo Nhân dân điện tử)