1. Tư tưởng chủ động “giữ nước từ khi nước chưa nguy”
trong truyền thống văn hóa giữ nước của
dân tộc Việt Nam
"Lo giữ nước khi nước còn chưa nguy" - Vua lê Thái Tổ |
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam cho thấy, tư tưởng chủ động “giữ nước từ khi nước chưa nguy” của ông cha ta có nội dung rộng lớn, thể hiện trên nhiều phương diện, cả trong quá trình dựng nước và giữ nước. Tư tưởng đó được biểu hiện trên những nội dung chủ yếu sau:
Một
là,
tư tưởng chủ động giữ nước làm cho “quốc phú binh cường”.
Thục Phán An Dương Vương vừa
động viên trăm họ phát triển cây lúa nước, vừa huy động toàn dân đắp thành Cổ
Loa, sửa sang giáo mác, rèn đúc tên đồng để sẵn sàng bảo vệ đất nước; Vua Quang
Trung: “Cứ để cho ta mười năm nữa, nước ta giàu, dân ta mạnh, thì ta có sợ gì
chúng”…
Hai là, tư
tưởng vua tôi đồng lòng, cả nước chung sức chống thù trong giặc ngoài.
Thực hành tư tưởng “Cố kết
trong nội bộ lãnh đạo đất nước”[1]; xây
dựng một quân đội “phụ tử chi binh”; xây dựng khối đoàn kết toàn dân đánh giặc:
Các triều đại Lý, Trần, Lê thực hành chính sách “ngụ binh ư nông”, “tịch điền”,
“khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”.
Ba
là,
tư tưởng xây dựng quân đội hùng mạnh, “cốt tinh không cốt đông”, thực hành “ngụ
nông ư binh” một cách lâu dài.
Đối với Việt Nam, một dân tộc
“đất không rộng, người không đông”, luôn ở vào cái thế phải “lấy ít địch
nhiều”, “lấy yếu chống mạnh” đã buộc các triều đại phong kiến phải có cách đối
phó chủ động, linh hoạt nhất. Đó
là xây dựng quân đội theo cách “cốt tinh không cốt đông”, thực hành “ngụ nông ư
binh”, “cả nước là lính, toàn dân đánh giặc” một cách lâu dài.
Bốn
là,
tư tưởng bang giao phòng ngừa.
Bang
giao phòng ngừa là một chủ trương chiến lược thường được các triều đại phong
kiến nước ta vận dụng rất hiệu quả nhằm chủ động bảo vệ Tổ quốc. Lược sử những
sự kiện điển hình cho thấy, tư tưởng và nội dung của bang giao phòng ngừa rất phong phú, sinh động, thể hiện trên những
vấn đề: Ngoại giao tại biên, ngăn chặn các âm mưu phản loạn; ngoại giao thăm dò
địch; giảng hòa trên thế thắng.
Năm là, tư
tưởng tiên phát chế nhân.
Tư
tưởng và hành động: “Ngồi chờ giặc không bằng đem quân phá trước thế mạnh của
giặc” mà người xưa thường gọi là “Tiên
phát chế nhân” của Lý Thường Kiệt trong cuộc kháng chiến chống quân Tống
xâm lược là một trong những tư tưởng và hành động quân sự mang tính chủ động
giữ nước rất cao.
Những
tư tưởng và hành động chủ động “giữ nước từ khi nước chưa nguy” trong lịch sử
dân tộc Việt Nam là một trong những cơ sở hình thành quan điểm bảo vệ Tổ quốc
từ sớm, từ xa của Đảng ta.
2.
Bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII là một phương thức bảo vệ Tổ quốc Việt
Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới
Nghị quyết Đại hội XIII của
Đảng khẳng định: “Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ
xa”[2] và
“Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”[3].
Quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ
sớm, từ xa trong Nghị quyết Đại hội XIII có sự phát triển toàn diện, sâu sắc,
đó là khẳng định bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa một cách chủ động.
Nghị quyết Đại hội XIII chỉ
rõ: “Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”; “Phải
chuyển mạnh sang việc “chủ động phòng ngừa” là chính; phải “Nỗ lực phấn đấu để
ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp
hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”[4];
phải “Chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng các phương án bảo vệ vững chắc độc
lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững an ninh quốc gia,
trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống”[5].
So với các Nghị quyết trước
đây, trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tinh thần, tư tưởng về chủ động giữ nước được đề cập với tần
suất khá lớn, cả trong đánh giá thực hiện Nghị quyết Đại hội XII cũng như tầm
nhìn và định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn
2030 và 2045; trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh
đạo, cầm quyền của Đảng.
Quan điểm, phương châm bảo
vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa: Không chỉ xác định trong nhiệm vụ quốc phòng, an ninh
bảo vệ Tổ quốc mà còn được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực, các chủ thể, các
lực lượng, trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, quốc phòng - an ninh, đối
ngoại.
Nghị
quyết XIII xác định: “Tăng cường quản
lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ
chốt các cấp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm”[6].
Điều này thể hiện bảo vệ Đảng là vấn đề quan trọng hàng đầu trong bảo vệ Tổ
quốc từ sớm, từ xa.
Lực lượng, sức mạnh bảo vệ
Tổ quốc từ sớm, từ xa: Là toàn dân, của cả hệ thống chính trị và các ngành, chủ
thể, lĩnh vực của đời sống xã hội.
Các
nhân tố gây ra đột biến tác động đên bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa: Nghị quyết Đại
hội XIII không loại trừ “nhân tố bên ngoài”, khi nhấn mạnh “nhất là các nhân tố
có thể gây đột biến” bao gồm cả “nhân tố bên trong” và “nhân tố bên ngoài”.
Như vậy, sự phát triển tư
duy lý luận của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong tình hình quốc tế
có nhiều biến động, khó dự báo; đất nước đã hội nhập quốc tế sâu, rộng, khi đứng
trước những vấn đề đó không chỉ có những cơ hội lớn để phát triển, mà còn có
những thách thức gay gắt, những “nhân tố bên ngoài” có thể gây đột biến, dẫn
đến nguy cơ bùng nổ sung đột, chiến tranh.
Nghị quyết Đại hội XIII xác
định giải pháp thực hiện bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa:
Một
là,
tập trung xây dựng đất nước vững mạnh về mọi mặt, xây dựng yếu tố nội lực bên
trong đủ khả năng ngăn ngừa, đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm,
từ xa.
Nghị quyết Đại hội XIII tiếp
tục khẳng định: “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là
then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an
ninh là trọng yếu, thường xuyên”[7].
Hai
là,
thường xuyên chăm lo xây dựng tiềm lực quốc phòng và an ninh đủ mạnh, thế trận
quốc phòng và an ninh vững chắc ngay từ thời bình để bảo vệ Tổ quốc trong mọi
tình huống.
Về
tiềm lực quốc phòng, Nghị quyết Đại hội XIII tiếp tục nhấn mạnh:
“Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh
nhuệ, từng bước hiện đại”[8].
Điểm mới so với Nghị quyết Đại hội XII ở chỗ: Nghị quyết Đại hội XIII cụ thể
hóa phương châm “từng bước hiện đại” bằng chủ trương xây dựng “một số quân binh
chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại” trong giai đoạn 2021 - 2030, phấn đấu
từ năm 2030 sẽ “xây dựng quân đội hiện đại”, chứ không còn là “ưu tiên hiện đại
hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng”[9].
Đại hội
XIII đề ra chủ trương: “xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công
nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ
quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội”[10].
Về
thế trận quốc phòng, Nghị quyết Đại hội XIII yêu cầu tập trung
xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an
ninh nhân dân; trong đó, coi trọng việc phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”.
Ba
là,
triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại; thực hiện nhất quán
đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển,
đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, nhằm tăng đối tác, giảm đối
tượng, thêm bạn, bớt thù đối với cách mạng Việt Nam.
Nghị quyết Đại hội XIII chủ
trương: “Đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương”[11]; “Bảo
đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của
Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có
lợi”[12].
Bốn
là,
nâng cao năng lực dự báo chiến lược về quốc phòng, an ninh, đối ngoại để tham
mưu chính xác cho Đảng, Nhà nước sớm có đối sách chủ động ngăn ngừa các nguy cơ
chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa.
Nghị
quyết Đại hội XIII khẳng định: “nâng cao năng lực xử lý thông tin, dự báo, tham
mưu chiến lược, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh làm
thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản
động...”[13].
Nghị
quyết Đại hội XIII khẳng định: “Xây dựng nền ngoại giao hiện đại, trong đó chú
trọng đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng, an ninh để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”[14].
Điểm mới về nhiệm vụ của đối
ngoại quốc phòng trong Nghị quyết Đại hội XIII là, “đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn
quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là đối tác chiến lược,
đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và
tăng độ tin cậy. Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc
phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc”[15].
Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ quốc phòng với hơn 80 quốc gia
và tổ chức quốc tế; có 50 nước đặt tùy viên quân sự tại Việt Nam. Quân đội đã
cử cán bộ, sỹ quan tham gia Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng
hòa Trung Phi và Nam Sudan và sắp tới tiếp tục cử thêm sỹ quan thực hiện
nhiệm vụ này. Bên cạnh hợp tác quốc
phòng song phương, Việt Nam còn tham gia nhiều hoạt động đối ngoại quốc phòng
đa phương của ASEAN và một số diễn đàn đa phương khác, trong đó có Hội nghị Thượng
đỉnh An ninh châu Á, Diễn đàn Hương Sơn...
3. Quán triệt và thực hiện quan điểm bảo
vệ tổ quốc từ sớm, từ xa theo tinh thần Nghị
quyết Đại hội XIII của đảng
Một là, làm tốt công tác
tuyên truyền, giáo dục cho mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ được đối tác và đối tượng, nhận
thức rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Đặc biệt là những
quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa để tạo sự đồng
thuận cao trong xã hội với việc tổ chức thực hiện.
Để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, phải chủ động thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân; nâng cao nhận thức về đối tác, đối tượng. Trên cơ sở đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về trách nhiệm và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Hai là, bám sát tình hình, chủ động nghiên cứu nắm chắc tình hình diễn biến của thế giới, khu vực, đặc biệt là những yếu tố tác động đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc làm cơ sở cho việc xác định chủ trương, giải pháp để ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các tình huống, không để bị động bất ngờ.
Trong
nghiên cứu, dự báo chiến lược về quân sự, quốc phòng, Quân ủy Trung ương và Bộ
Quốc phòng chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối
chiến lược và các đối sách linh hoạt, đúng đắn, phù hợp, giải pháp toàn diện,
khả thi, chủ động ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, xử lý
thắng lợi các tình huống quân sự, quốc phòng; giải quyết tốt các quan hệ quốc
tế, vấn đề biển, đảo, biên giới,.. không để bị động, bất ngờ về chiến lược.
Ba
là,
quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; đảm bảo
dân chủ, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phòng chống tự
diễn biến, tự chuyển hóa; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; xây dựng
quân đội, công an “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, xây
dựng thế trận lòng dân vững chắc, giữ cho “trong ấm, ngoài êm” tạo nền tảng,
sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Bốn là, kết
hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với an ninh, với kinh tế, văn hóa xã hội trong
từng chiến lược, kế hoạch và ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo; kết hợp
chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với đối ngoại và tăng cường đối ngoại về quốc
phòng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Năm
là,
tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với củng
cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; phát huy tốt vai trò của các lực lượng trong
việc tiếp tục hoàn thiện các thể chế về quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc,
nâng cao hiệu lực quản lý của nhà nước về quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, quan tâm đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tiến hành
thực hiện tốt sơ, tổng kết các hoạt động liên quan đến việc bảo vệ Tổ quốc để
làm cơ sở cho việc thực hiện bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Mỗi
cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc và nâng cao năng lực vận dụng sáng tạo,
nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần cảnh giác trong thực hiện các nhiệm
vụ; vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà
nước về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã
hội nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên từng lĩnh vực cụ thể, góp phần hiện
thực hóa quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa theo tinh thần Nghị quyết Đại
hội XIII của Đảng.
Quan
điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là
cơ sở để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta luôn nêu cao tinh thần bảo vệ Tổ
quốc từ sớm, từ xa, đồng thời khắc phục những hạn chế cả về nhận thức cũng như
tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nắm vững cách thức, ngăn ngừa, giải
quyết những vấn đề bất chắc, nảy sinh nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã
hội chủ nghĩa./.
TS.
NVT
[1]
Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự, Tìm
hiểu văn hóa giữ nước Việt
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb
CTQGST, H.2021, tr.117
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb
CTQGST, H.2021, tr.156
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb
CTQGST, H.2021, tr.156-157
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb
CTQGST, H.2021, tr.159
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST,
H.2021, tr.189
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb
CTQGST, H.2021, tr.110
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb
CTQGST, H.2021, tr.157-158
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tập I, Nxb CTQG, H.2016, tr.149
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, tập I, Nxb CTQGST, H.2021, tr.158-159.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb
CTQGST, H.2021, tr.162..
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb
CTQGST, H.2021, tr.110.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb
CTQGST, H.2021, tr.152.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb
CTQGST, H.2021, tr.50.
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb
CTQGST, H.2021, tr.163
Trích dẫn trong lời nói đầu:
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST,
H.2021, tr.117
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb
CTQGST, H.2021, tr.156