Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Monday, August 30, 2021 , 0 bình luận

Thời gian qua, mượn mạng xã hội (MXH), một số ý kiến khơi lại vấn đề “chủ nghĩa hội tụ”, coi “chủ nghĩa hội tụ” là con đường khả dĩ, phù hợp với thời nay và đưa ra “khuyến nghị, khuyến cáo” Việt Nam là: “Phải thay Chủ nghĩa Mác-Lênin bằng chủ nghĩa hội tụ”, “là hội tụ chủ nghĩa tư bản hòa vào chủ nghĩa xã hội”. Vậy, sự thật đằng sau khuyến cáo đó là gì?


Một số người mang danh giáo sư nọ, tiến sĩ kia với chiêu bài lý giải khoa học mà thực chất là một kiểu ngụy khoa học khi tán hươu tán vượn rằng: “Cố lôi chủ nghĩa xã hội-CNXH (lý tưởng tốt đẹp) từ trên trời xuống để đuổi theo, học tập, hợp tác hòa vào với chủ nghĩa tư bản (CNTB) hiện thực đang phát triển tiếp ở trần gian. Bởi CNTB có đường lối tự do dân chủ, công khai cạnh tranh, liên tục từng bước được tìm tòi đổi mới và hoàn thiện, thể chế chính trị triển khai sát thực tế, sáng tạo, hợp quy luật tự nhiên hơn”(!)

Thuyết hội tụ (convergence thesis) hay chủ nghĩa hội tụ xuất hiện từ thế kỷ 20. Đó là thuyết xã hội học tư sản, cho rằng hai chế độ tư bản chủ nghĩa (TBCN) và xã hội chủ nghĩa (XHCN) đang phát triển theo những con đường ngày càng xích lại gần nhau và cuối cùng sẽ hòa nhập vào nhau, hình thành nên một xã hội mới, trong đó kết hợp những tính chất tích cực của chế độ tư bản và của chế độ XHCN. Những người chủ trương nổi tiếng nhất của thuyết này là P.A.Sorokin, J.K.Galbraith, J.Tinbergen.  

Đảng Cộng sản Việt Nam - lựa chọn tất yếu của lịch sử và của nhân dân. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn

Thuyết này cho rằng, trong 4 nguyên tắc của CNTB, xã hội sẽ giữ lại 3 nguyên tắc, đó là chế độ tư hữu, kích thích kinh tế và động cơ lợi nhuận, cơ chế thị trường; bỏ nguyên tắc nhà nước không can thiệp. Với CNXH, sẽ giữ 3 nguyên tắc: Trình độ bình đẳng cao, kiểm tra công nhân đối với sản xuất, kế hoạch hóa kinh tế; bỏ nguyên tắc sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất. 

Thuyết này thiếu cơ sở khoa học, chỉ nhấn mạnh những nét tương tự về cấu trúc kinh tế, kỹ thuật, khoa học mà không nói đến sự khác nhau về bản chất giữa CNTB và CNXH. Đó là sự khác nhau của chế độ sở hữu đối với tư liệu sản xuất. Tất nhiên, không chỉ là quan hệ sản xuất mà là ở quyền tự do, dân chủ, công bằng, quyền con người và sự tiến bộ xã hội toàn diện của con người dựa trên trình độ kinh tế-văn hóa xã hội văn minh cao hơn CNTB trong tương lai.

Chưa dừng lại ở đó, những người tán dương chủ nghĩa hội tụ cho rằng: “Tự do dân chủ cộng hòa và đa nguyên trong hòa bình, ổn định (theo trào lưu tiến hóa của thế giới, tiến tới một chủ nghĩa hội tụ) và để củng cố vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”, và: “Thực tiễn toàn cầu đang chỉ ra loài người đang từng bước sáng tạo ra một chủ nghĩa hội tụ: Chắt lọc và kết hợp những cái tinh túy của các loại thể chế xã hội (TBCN, xã hội dân chủ và XHCN...) và những tinh hoa khác của loài người”(!). 

Thực ra đó là kiểu chủ nghĩa chiết trung, ngụy biện, dù tỏ vẻ “thông thái”, nhưng đã lộ nguyên hình quái thai “đầu Ngô mình Sở”, nhưng nguy hiểm, vì người ta sẽ không hiểu được các quy luật lịch sử, khi tách khỏi điều kiện lịch sử cụ thể khách quan. Việc kế thừa trong quy luật tiến hóa, phát triển xã hội bao giờ cũng gắn với điều kiện lịch sử cụ thể như vậy, nó không phải là kiểu hội tụ, như các luận điệu tụng ca!

Xu hướng tiến hóa của thế giới không phải là chủ nghĩa hội tụ. Thời đại toàn cầu hóa, hội nhập và phát triển bền vững với nội dung hòa bình, hợp tác và phát triển là một xu thế khách quan. Nhưng đó không phải là xu hướng hội tụ. Thống nhất, đồng thuận nào đó về giá trị hay lợi ích không phải là hội tụ. Ai đại diện cho nhà nước pháp quyền toàn cầu, nhà nước này giải quyết các loại lợi ích đối kháng ra sao?... Những điều đó không bao giờ có thể giải quyết bằng chủ nghĩa hội tụ trong hiện thực.

Ngày nay, những lợi ích của giai cấp-dân tộc-quốc gia và những lợi ích toàn nhân loại, có chính phủ của từng quốc gia và có tổ chức Liên hợp quốc đại diện (hiện do các nước lớn mà phần đông là CNTB chi phối). Nhưng khi nói về lợi ích toàn nhân loại, tổ chức Liên hợp quốc như một sự cần thiết có tính tất yếu, thì trên thực tế giải bài toán toàn cầu chung này cũng không phải theo phương thức hội tụ (chủ nghĩa hội tụ) mà theo nguyên tắc thỏa hiệp hoặc hợp tác nhưng thường là có lợi hơn cho bên có nhiều thế mạnh, nhiều quyền lực và nhiều tiền hơn! Thực chất thuyết hội tụ là thuyết xã hội học tư sản với đủ loại biến tướng của nó, chỉ cốt nhằm bảo vệ cho cái ước mơ hão huyền về trật tự của CNTB “trường tồn” mà thôi!  

Lịch sử phong trào cộng sản thế giới cho thấy, thời kỳ cải cách thường là thời kỳ sau cách mạng. Đó là lúc kết hợp các mặt đối lập giữa cái cũ và cái mới, phương thức sản xuất cũ và phương thức sản xuất mới nhất là về mặt quan hệ sản xuất. Kết hợp hai mặt đối lập, đi qua các bước trung gian ngắn hay dài, kế thừa nhân tố tất yếu của xã hội cũ hay trong xã hội cũ còn tác dụng tích cực như kinh tế tư nhân, kinh tế thị trường trong thời kỳ đổi mới, cải cách hiện nay. Nhưng đó không phải là chủ nghĩa hội tụ hay hình thức hội tụ, như có người ngộ nhận. 

Nhìn rộng ra, CNXH dân chủ với nhiều mức độ, biến thể khác nhau cũng là một trạng thái hình thức quá độ kết hợp hai mặt đối lập cả yếu tố TBCN và XHCN, nhưng không phải là xã hội hội tụ hay theo chủ nghĩa hội tụ. CNXH dân chủ cũng không phải là phát triển theo thuyết hội tụ. Thực tế, nhiều chế độ xã hội dân chủ này nghiêng về CNTB, chỉ cải tiến CNTB nên thực chất vẫn là CNTB. Đó là CNXH cải lương. Còn một số rất ít chế độ CNXH nghiêng về CNXH đích thực nhiều hơn. CNXH tả khuynh hay CNXH hữu khuynh đều không phải là tinh thần của Chủ nghĩa Mác-Lênin chân chính, không phải là CNXH hiện đại, khoa học và nhân văn.

Trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ở thế kỷ 20, phần nhiều là sai lầm tả khuynh nhưng cũng không ít những sai lầm hữu khuynh, rơi vào bệnh cơ hội, cải lương. Làm sao để đi đúng con đường hiện thực (cách mạng hay cải cách/đổi mới) không nghiêng ngả (tả khuynh hay hữu khuynh) phải nắm vững Chủ nghĩa Mác-Lênin, trên cơ sở phân tích tình hình cụ thể có đối sách thích hợp. Tức là phải tránh được bệnh tả khuynh hay hữu khuynh là bài toán bao giờ cũng khó. Chỉ có thế mới thành công. 

Trong quá trình đó, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết là trong quá trình cách mạng và kiến thiết đất nước phải luôn chủ động phòng, chống cả khuynh hướng tả khuynh và hữu khuynh, nhưng tùy từng lúc mà chống khuynh hướng nào là chính. Khởi đầu thời kỳ đổi mới là lúc chống lại bệnh tả khuynh, duy ý chí. Nhưng sau đó và cũng như hiện nay thì phải quan tâm chống bệnh hữu khuynh, cơ hội là chính.

Thế nhưng, vẫn có người cố tình tán dương, tâng bốc một cách lỗ mỗ chủ nghĩa hội tụ một cách thô thiển thế này: “Cần thấy rằng, nước ta hiện nay vẫn đang phải đi hai chân: Vừa đi theo chủ nghĩa cộng sản để cứu dân, cứu nước, vừa đi theo CNTB để xây dựng dân giàu, nước mạnh, chủ yếu là đi theo các mặt đúng đắn của cả hai loại chủ nghĩa, hay cả hai loại chế độ chính trị này”(!).

Lại nhớ lời tiền nhân, rộng xét năm châu, trải xem lịch sử, dọc ngang mấy vạn dặm, trên dưới mấy nghìn năm, từ đông đến tây, từ xưa đến nay, hễ nước nào khi vận nước cường tất là khi ấy trong nước chính-học sáng rệt, nước nào khi vận nước suy đốn, tất là khi ấy trong nước tà-thuyết lưu hành. Nghe các luận điệu phán như thế, thử hỏi có gì khác với tà-thuyết không?

Trên thế giới, con đường xây dựng CNXH luôn gặp phải trắc trở, thậm chí sai lầm nghiêm trọng và rơi vào thoái trào. Đó là điều bình thường. Vì lịch sử chưa bao giờ như một cuộc duyệt binh. CNXH trong thế kỷ 20 đã phải trả giá cho chủ nghĩa tả khuynh và sau đó là chủ nghĩa hữu khuynh, cải lương, cơ hội chủ nghĩa. Công cuộc cải tổ của Liên Xô trước đây đã phải trả giá quá đắt vì chủ nghĩa cơ hội chính trị, cải lương lũng đoạn và phản bội Chủ nghĩa Mác-Lênin.

Nhưng sự sụp đổ của mô hình CNXH kiểu cũ ấy không phải là do thế giới quan phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin là sai lầm, mà là sự sai lầm của những người cơ hội và phản bội lại chính Chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhưng từ đó đã mở ra một không gian mới cho nhận thức đích thực sáng tạo và đúng đắn về Chủ nghĩa Mác-Lênin, CNXH khoa học, với những bài học mới trên con đường XHCN của các quốc gia dân tộc Việt Nam, Cuba, Trung Quốc... 

Tuy thế, vẫn có luận điệu mê sảng lại quỳ mọp sùng bái chủ nghĩa hội tụ, rồi được dăm ba người nữa phụ họa theo: “Đảng Cộng sản Việt Nam tuy vẫn rất tôn trọng công-nông, nhưng lại đã sáng tạo, biết coi toàn dân làm chủ, cũng đang cương quyết phát triển đất nước theo ưu điểm của cả 2 loại chế độ: Cộng sản và không “cộng sản” (!).  

Trò này chẳng khác gì đem bổn cũ “Ly miêu đánh tráo thái tử” trong lịch sử, rắp mưu soạn lại một cách u tối và đầy dã tâm: Khoác áo trí giả, bưng bô chủ nghĩa hội tụ để thay cho Chủ nghĩa Mác-Lênin, đem chủ nghĩa đa nguyên đánh tráo tư tưởng Hồ Chí Minh (!).

Những người có luận điệu nêu trên có lẽ không biết một sự thật lịch sử, đó là vào năm 1996, tại Diễn đàn Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Ấn Độ, H.Xing Xơ-dit đã khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tập trung xây dựng CNXH thông qua cải cách. Thành tựu mà nhân dân Việt Nam có được là do các đồng chí đã nghiêm túc nỗ lực áp dụng học thuyết mác-xít lê-nin-nit vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, dưới tên gọi tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Đầu năm nay, nhân dịp Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 1-2021), nhiều chính đảng trên thế giới đã ghi nhận, ủng hộ, đánh giá cao con đường lựa chọn của Việt Nam là đúng đắn, phù hợp. Điện mừng của Đảng Cộng sản Brazil có đoạn viết: “Sau 35 năm đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước, có thể khẳng định con đường mà Việt Nam lựa chọn là đúng đắn”. Điện mừng của Đảng Cộng sản Chile có đoạn viết: “Di huấn về tự do, độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khắc sâu trong trái tim nhiều thế hệ chiến sĩ cộng sản, nhân dân Chile, và ngày nay tư tưởng này của Người vẫn tiếp tục đồng hành trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, tự chủ, công bằng và giải phóng dân tộc”. Điện mừng của Đảng Nhân dân Xã hội chủ nghĩa (PPS) Mexico có đoạn viết: “Đảng Nhân dân Xã hội chủ nghĩa Mexico đánh giá cao những kết quả, thành tựu mà các đồng chí đã giành được. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí và chia sẻ với nhận định của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. 

Những lời nhận định khách quan từ các chính đảng nước ngoài như những bằng chứng khẳng định tính đúng đắn của con đường, chế độ XHCN mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn; đồng thời phù hợp với quy luật phát triển của thời đại.

TS NHỊ LÊ - Nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản/Báo Quân đội nhân dân điện tử

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X