Trong 3 ngày (26-28/10), TAND huyện Thới Lai, TP Cần Thơ mở phiên tòa xét xử bị cáo Trương Châu Hữu Danh, SN 1982, ngụ tỉnh Long An cùng các đồng phạm: Lê Thế Thắng cùng SN 1982, ngụ TP Hà Nội; Đoàn Kiên Giang, SN 1985, ngụ TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Phước Trung Bảo, SN 1982 và Nguyễn Thanh Nhã, SN 1980, cùng ngụ TP Hồ Chí Minh về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 Bộ luật Hình sự.
>>Đừng cố tình xuyên tạc để hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh
>>Khôi hài cho tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm tô vẽ cho tên tội đồ của dân tộc Việt Nam Ngô Đình Diệm
>>Thêm trò lố của trang việt tân về vụ ông Nguyễn Quang Tuấn bị khởi tố
>>Đằng sau âm mưu kêu gọi hủy bỏ Điều 117, Bộ luật Hình sự
Kết thúc phiên tòa vào chiều 28-10, Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên bị cáo Danh 4 năm 6 tháng tù; Thắng và Giang cùng 3 năm tù; Bảo và Nhã cùng 2 năm tù. HĐXX đã xem xét các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, thể hiện tính nghiêm minh và sự khoan hồng của pháp luật.
Nhận tiền để làm “truyền thông”
Trước khi phiên tòa diễn ra, bị cáo Thắng được tại ngoại và có đơn xin xét xử vắng mặt. 5 bị cáo cùng bị truy tố theo khoản 2, Điều 331 về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) huyện Thới Lai đã thông qua cáo trạng dài 27 trang, truy tố các bị cáo về tội danh nêu trên.
Theo cáo trạng, tháng 3-2020, Danh đến ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai gặp một số hộ dân ảnh hưởng bởi dự án Khu đô thị mới Thới Lai, do Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cadif Cần Thơ làm chủ đầu tư. Danh xưng là nhà báo đến thu nhập thông tin viết bài. Lợi dụng thời điểm một số người đang bức xúc do ảnh hưởng bởi dự án, bị cáo viết 32 bài và đăng 29 clip trên Facebook cá nhân và fanpage Trương Châu Hữu Danh.
Ngoài ra, năm 2019, Danh cùng với một số người nêu trên tạo fanpage “Báo Sạch”, nhóm “Làm Báo Sạch” và kênh YouTube “BS Channel” để viết, đăng 47 bài, video về các chủ đề được dư luận quan tâm. Bảo, Danh giữ vai trò quản trị viên; Nhã, Giang và Thắng, giữ vai trò biên tập viên. Khi đăng bài viết đều có sự thống nhất của 5 thành viên. Sau khi Danh bị bắt vào cuối năm 2020, Bảo, Giang, Nhã và Thắng đều rời khỏi nhóm. Thắng đã xóa fanpage “Báo Sạch”, kênh YouTube “BS Channel” và tự thoát khỏi nhóm “Làm Báo Sạch”. Nhóm của Danh đã nhận hợp đồng làm truyền thông, quảng cáo cho doanh nghiệp, thu lợi hơn 2,8 tỷ đồng. Số tiền này, các bị cáo chia lợi ích tùy theo công sức từng người đóng góp.
Trong phần xét hỏi, bị cáo Danh thừa nhận hành vi vi phạm đối với các bài viết đã được cơ quan điều tra chứng minh, đăng trên Facebook cá nhân và fanpage “Báo Sạch”. Bị cáo Danh chịu trách nhiệm chính trong các sai phạm, tỏ ra day dứt và thành khẩn nhận lỗi. “Những bài viết đã được xác định là sai, bị cáo nhận lỗi, chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu trách nhiệm chính”, bị cáo Danh nói.
Danh nhận là người chủ trương thành lập nhóm. Các bị cáo có sự thống nhất về việc đăng hoặc gỡ bài viết và có trao đổi qua các nhóm chát nội bộ. Những bài viết cơ quan điều tra đã chứng minh, bị cáo nhận thấy sai phạm của mình và những người trong nhóm. “Bị cáo có công kích cá nhân”, bị cáo Danh nói và thừa nhận vẫn còn day dứt vì đã không xem xét hết hoàn cảnh sự việc, tìm hiểu không kỹ khi đăng và viết sai. Cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm bài viết Danh đã công kích cá nhân nhưng bị cáo vẫn mong muốn xin lỗi người có liên quan.
Danh và Bảo khai nhận cùng nhóm “Báo Sạch” có tư vấn truyền thông, để nhận hợp đồng quảng cáo. Bị cáo Bảo cho rằng việc tư vấn truyền thông và quảng cáo, không liên quan đến hành vi vi phạm. Bị cáo giải thích việc làm, tư vấn và nhận hợp đồng truyền thông là làm bên ngoài, chứ không viết trên fanpage “Báo Sạch”, nếu có chỉ một vài bài để “đối tác” vui lòng.
“Bị cáo tư vấn truyền thông, thực hiện bài viết. Các bị cáo chỉ là người tư vấn truyền thông, đứng phía sau”, bị cáo Bảo nói và thừa nhận trong các bài viết đã thể hiện, có một số bài bình luận sai sót, đưa ý kiến cá nhân, duy ý chí. Các hợp đồng truyền thông, tùy theo công việc được giao, sau khi ký hợp đồng được chia theo công sức từng người. Bị cáo Nhã thừa nhận hành vi sai phạm, trong đó một số bài đã được cơ quan điều tra chứng minh.
Theo đại diện Viện KSND huyện Thới Lai, các bị cáo lợi dụng các trang mạng xã hội, tự do báo chí, tự do ngôn luận để viết nhiều bài xúc phạm, xâm phạm đến nhiều cá nhân là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và chính quyền địa phương; xâm phạm các quyền, lợi ích của nhiều cá nhân, cơ quan tổ chức. Các bài viết của Trương Châu Hữu Danh và nhóm “Báo Sạch” làm cho nhiều người đọc có những bình luận tiêu cực, qua đó xúc phạm danh dự, uy tín của nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Đại diện Viện KSND đề nghị hành vi phạm tội của các bị cáo cần phải xét xử nghiêm, tương xứng với vai trò của từng bị cáo. Trước khi đăng tải bài viết, các bị cáo đã cùng trao đổi, thảo luận, góp ý thể hiện sự đồng lòng, đây là tình tiết tăng nặng. Các bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội nên có tình tiết xem xét giảm nhẹ.
Việc các bị cáo nhận tiền làm truyền thông, thông qua fanpage “Báo Sạch”, nhóm “Làm Báo Sạch”, tư vấn cho các doanh nghiệp, HĐXX đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ, nếu có dấu hiệu tội phạm thì xử lý. Đối với các văn bản, tài liệu có đóng dấu “mật và tối mật”, cơ quan điều tra tiếp tục xác minh.
Day dứt và ân hận
Nói lời sau cùng trước khi toà tuyên án, bị cáo Nhã bày tỏ sự hối hận và tỏ ra day dứt với những việc đã làm. “Bị cáo rất mong muốn HĐXX xem xét vai trò, tính chất, mức độ của bị cáo và động cơ, mục đích tham gia nhóm “Báo Sạch”. Bị cáo mong muốn HĐXX nhìn thấy 7 tháng qua, bằng nỗi day dứt, trăn trở của bị cáo để áp dụng hình phạt và muốn trở thành người công dân tốt”. Bị cáo Danh xin lỗi những người và cơ quan mà mình đã xâm phạm và mong muốn bản án ghi nhận lời xin lỗi thành tâm này.
Bị cáo Bảo đã khóc khi nói lời sau cùng. Bị cáo kể từng được du học và có cơ hội làm việc tại nước ngoài. Tuy nhiên, bị cáo chọn quay về, với mong muốn làm báo và có sự cống hiến tốt nhất cho quê hương nhưng đã phạm sai lầm, dẫn đến việc đứng trước tòa. Bị cáo Giang thừa nhận những thiếu sót, phát biểu nhận sai và xin gửi lời xin lỗi cá nhân, tổ chức vì những sai phạm của mình đã làm ảnh hưởng tới họ. Khi đứng trước tòa, bị cáo mong muốn được hưởng khoan hồng, giảm khung hình phạt.
Theo thẩm phán Trương Thụy Đang Phượng, Chánh án TAND huyện Thới Lai, quá trình điều tra và thẩm vấn tại phiên tòa, các bị cáo thành khẩn khai báo, thể hiện sự ăn năn hối cải và mong muốn được giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Giang và Bảo được xem xét thêm tình tiết giảm nhẹ vì người thân có công với cách mạng. Căn cứ vào hồ sơ, kết quả đã thẩm tra, xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa, hành vi của các bị cáo cấu thành tội phạm theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Tại Cần Thơ, bị cáo viết 32 bài, kèm hình ảnh minh họa, nội dung đả kích các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế; xúc phạm một số cá nhân, lãnh đạo, tổ chức ở TP Cần Thơ. Đa số các bài viết, bị cáo sử dụng thông tin một chiều, không kiểm chứng, nhận định chủ quan và hướng cộng đồng mạng tham gia bình luận tiêu cực. Các bài đăng của bị cáo hướng dư luận tin vào những điều mình đã nói là đúng, có mục đích lôi kéo các đối tượng xấu tham gia chống phá; gây hoang mang dư luận, tạo sự bất ổn xã hội; xúc phạm uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước; gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số cơ quan, tổ chức ở TP Cần Thơ. Ngoài ra, bị cáo Danh còn viết 51 bài ở các địa phương khác, đã bị một số cá nhân tố cáo.
Thẩm phán Trương Thụy Đang Phượng nhấn mạnh, fanpage “Báo Sạch” và nhóm “Làm Báo Sạch” chỉ là trang cá nhân trên mạng xã hội. Các bị cáo đều có sự bàn bạc, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các thành viên, đa số có nội dung chưa kiểm chứng, sai sự thật, lôi kéo bình luận theo ý đồ của các bị cáo. Danh chịu trách nhiệm cho các bài viết, clip đã đăng trên trang cá nhân và chịu trách nhiệm với các bị cáo khác đối với các bài viết đã đăng. Bảo, Nhã, Giang và Thắng cùng chịu trách nhiệm đồng phạm với Danh.
Các bài viết gây hoang mang dư luận, mang danh nghĩa chống tiêu cực nhưng thực chất là tiêu cực; phiến diện một chiều, xuyên tạc, đả kích nói xấu nhằm vào tổ chức Đảng, chính quyền, lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Các bài viết hướng dư luận vào tham gia, làm cho người đọc hiểu sai, gây mất lòng tin trong nhân dân...
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, các bài viết tạo “diễn dàn” cho nhiều bình luận tiêu cực, thể hiện mục đích xuyên tạc, chống phá, gây ảnh hưởng đến uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức Đảng; ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác. Các bài viết làm ảnh hưởng đến vai trò quản lý Nhà nước tại các địa phương, làm mất lòng tin trong nhân dân, tạo ra sự bất ổn trong xã hội; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân… Các cơ quan tố tụng đã xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội.
Qua trình bày tại tòa, các bị cáo đều thể hiện sự day dứt và ân hận với lỗi lầm đã gây ra. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những người dùng mạng xã hội đang cuồng vọng vào sức mạnh ảo trên mạng xã hội, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Những người tham gia mạng xã hội cần tuân thủ các quy định của pháp luật, cần tỉnh táo, chọn lọc thông tin tiếp cận và đăng tải, chia sẻ trên trang cá nhân, không để dẫn đến tình huống vi phạm pháp luật.
Hào Anh (cand.com.vn)