(Tindautruongdanchu) - Chuẩn bị đến ngày 30/4, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Ngược lại với tinh thần hồ hởi, phấn khởi của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam và bạn bè quốc tế, những kẻ phản quốc lại sử dụng những chiêu trò nhằm đánh tráo khái niệm, xuyên tạc lịch sử anh hùng của dân tộc Việt Nam.
Sáng ngày 17/4/2023, trên trang Facebook của Việt Tân có đăng các
nội dung nói về sự kiện năm 1972 tại Thành cổ Quảng trị, trong đó có đoạn viết:
“Năm 1972, đến tận chiến trường cổ thành Quảng Trị, cố Tổng Thống Nguyễn văn
Thiệu đã quỳ gối ở Nhà Thờ La Vang đổ nát để cầu nguyện.
Câu nói để đời của ông:
ĐỪNG NGHE NHỮNG GÌ CỘNG SẢN NÓI
MÀ HÃY NHÌN NHỮNG GÌ CỘNG SẢN LÀM”.
Trên thực tế, đây là những luận điệu xuyên tạc của Việt Tân, không phải là nội dung mới mẻ trong những thủ
đoạn của tổ chức này và những lực lượng phản động. Mục đích của chúng không có gì
khác ngoài việc xuyên tạc lịch sử Việt Nam, chúng cho rằng chính cộng sản là những
người đã gây ra sự kiện Thành cổ Quảng Trị chứ không phải do đế quốc Mỹ và tay
sai ngụy quân ngụy quyền. Để độc giả có thể nắm rõ được hơn về cuộc chiến ở
Thành cổ Quảng Trị, xin phép được dẫn bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản ngày
19/7/2022 của TS. TRẦN TUẤN SƠN - LÊ
THỊ HUYỀN Với tựa đề “Cuộc chiến đấu bảo
vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 - khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam”.
Nội dung bài viết như sau:
“TCCS - Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành
cổ Quảng Trị (28-6-1972 - 16-9-1972) là một trong những biểu hiện sinh động
nhất cho khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam
trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại.
Là địa đầu của hai chiến tuyến, tỉnh Quảng Trị
nói chung, thị xã Quảng Trị, đặc biệt là Thành cổ nói riêng trở thành nơi tập
trung sự quan tâm đặc biệt cả về quân sự, chính trị và ngoại giao. Cuộc chiến
đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị “với phương thức tác chiến phòng ngự, bảo vệ một
mục tiêu có tính chất chiến lược trong thời điểm có tính nhạy cảm, với điều
kiện so sánh lực lượng giữa ta và địch chênh lệch nhau nhiều cả về số quân,
trang bị vũ khí hiện đại, phương tiện vật chất trong một thời gian dài, là một
thành công đặc biệt xuất sắc”(1). Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm giữ
vững Thành cổ trở thành sự kiện quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ,
cứu nước của dân tộc ta, góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc đấu tranh
ngoại giao, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari, mở đường cho đại thắng mùa Xuân
năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, khẳng định lòng
yêu nước nhiệt thành, sự hy sinh cao cả cho chính nghĩa, vì sự nghiệp vĩ đại
của nhân dân Việt Nam.
Kiên cường chiến đấu với tương quan lực lượng
chênh lệch
Sau khi để mất Quảng Trị, Tổng thống Mỹ
Ních-xơn một mặt ra lệnh cho Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu
phải chiếm lại tỉnh Quảng Trị, một mặt “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh để cứu
vãn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đang có nguy cơ sụp đổ. Để ngăn chặn
quân ta phát triển tiến công vào phía nam, chính quyền Sài Gòn lập tức tăng
quân và hỏa lực, nhanh chóng củng cố tuyến phòng ngự phía nam sông Mỹ Chánh.
Đồng thời, lập tuyến phòng ngự phía tây đường 12 để ngăn chặn quân ta tiến công
vào Huế nhằm bảo toàn lực lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc phản công lại
ở Quảng Trị. Với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, để chắc thắng, Nguyễn Văn
Thiệu đã huy động lực lượng tham gia chiến dịch mạnh nhất. Lực lượng phản công
gồm: 1 sư đoàn dù, 1 sư đoàn lính thuỷ đánh bộ, sư đoàn 1 bộ binh, trung đoàn 4
thuộc sư đoàn 2 bộ binh. “Tổng lực lượng gồm 13 trung đoàn bộ binh, 17 tiểu
đoàn pháo binh, 5 thiết đoàn và nhiều đơn vị công binh, không quân, hải quân
của quân khu 1 hỗ trợ”(2). Đặc biệt, Mỹ tăng gấp 2 lần số máy bay
ném bom chiến lược B52, triển khai lại các lực lượng không quân và hải quân chi
viện hỏa lực trực tiếp với mật độ cao và cường độ rất lớn cho cuộc phản công.
Chính quyền Sài Gòn hy vọng sẽ nhanh chóng chiếm lại thị xã, cắm cờ lên Thành
cổ trước ngày 10-7-1972. Đến ngày 27-6-1972, “địch đã chuẩn bị đầy đủ về mọi
mặt cho cuộc tiến công lớn ra vùng giải phóng nhằm chiếm mục tiêu trước mắt là
thị xã và Thành cổ Quảng Trị”(3).
Trước hành động của địch, ngày 27-6-1972, Quân
ủy Trung ương thông báo cho Bộ Tư lệnh chiến dịch các hoạt động khẩn trương
chuẩn bị tiến công ra Quảng Trị của địch và chỉ thị biện pháp đánh địch của ta
phối hợp với đấu tranh ngoại giao. Tối 28-6-1972, Bộ Tư lệnh chiến dịch hạ
quyết tâm: “Chuyển từ chiến dịch tiến công sang chiến dịch phản công nhằm tiêu
diệt sinh lực địch, giữ vững vùng giải phóng, đánh bại cuộc hành quân của địch
và phát triển lúc thời cơ có lợi”(4). Bộ Tư lệnh chiến dịch đã bố
trí lực lượng gồm các Sư đoàn 308 (trung đoàn 36, 102, 66, Tiểu đoàn 2 độc
lập); 304 (trung đoàn 24, 9, 88, Tiểu đoàn đặc công 35); 320B (trung đoàn 27,
64, 18, các tiểu đoàn 14, 47 địa phương) có nhiệm vụ ngăn chặn các hướng tiến
công của địch; Trung đoàn 48, Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương và 3 tiểu đoàn
phòng không có nhiệm vụ bảo vệ khu vực thị xã Quảng Trị, La Vang, Ái Tử. Cùng
với việc tổ chức lực lượng ở các hướng chiến lược, việc tổ chức sơ tán cho nhân
dân ra khỏi vùng có chiến sự ác liệt được thực hiện khẩn trương. Trong một thời
gian ngắn, ta đã đưa được “8 vạn dân thị xã và hai huyện Thiệu Phong, Hải Lăng…
đến các nơi an toàn”(5). Trước khi bước vào trận chiến mới, mọi công
tác chuẩn bị về lực lượng và thế trận chiến đấu của ta cơ bản hoàn thành. Tuy
nhiên, thực tế lúc đó do ta chưa nắm chắc và chưa lường hết âm mưu, thủ đoạn và
quyết tâm của địch là tái chiếm lại Quảng Trị, nên ta vẫn chưa có kế hoạch
phòng ngự, giữ vững vùng giải phóng Quảng Trị. Do đó, lực lượng ban đầu bảo vệ
Thành cổ Quảng Trị do Trung đoàn 48 đảm nhiệm là chính.
Tác chiến phòng ngự, bảo vệ một mục tiêu có
tính chất chiến lược, trong một thời điểm chiến lược với điều kiện so sánh lực
lượng giữa ta và địch chênh lệch nhau khá lớn trong một thời gian dài, “là một
thành công đặc biệt xuất sắc của các lực lượng vũ trang bảo vệ thị xã, Thành cổ
và các lực lượng hiệp đồng tác chiến ở vòng ngoài”(6). Vào thời điểm
quân ta rút khỏi Thành cổ, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã điện khen:
“Cán bộ, chiến sĩ ta rất dũng cảm, nhiệm vụ đã hoàn thành. Lịch sử chống ngoại
xâm, giữ Thành lâu như thế, ông cha ta ít làm”(7).
Kiên cường bám trụ, bảo vệ từng tấc đất Thành
cổ
Với mục tiêu trước ngày 10-7-1972 cắm cờ lên
Thành cổ để phục vụ ý đồ ép ta ở Hội nghị Pari, dự định họp lại vào ngày
13-7-1972 sau nhiều lần trì hoãn, địch điên cuồng đánh phá. Đây là cuộc hành
binh đẫm máu, cực kỳ tàn bạo với đủ loại vũ khí hiện đại, từ bom phá, bom
napan, bom lân tinh, bom bi, bom 7 tấn, bom điều khiển bằng lade đến các loại pháo
chơm, pháo khoan, chất độc hoá học và hơi ngạt… Nhằm mục đích hỗ trợ cho tinh
thần quân ngụy, ngoài máy bay chiến thuật, chiến lược oanh tạc theo yêu cầu của
bộ binh ở tiền duyên, Mỹ còn cho pháo hạm, pháo mặt đất tầm xa bắn tới hai vạn
viên đạn suốt một ngày. Với chiến thuật “chậm chắc” mỗi khi gặp quân ta, quân
địch dừng lại, đội bom, pháo vào rồi mới tổ chức tiến công tiếp.
Suốt 81 ngày đêm, ngày nào địch cũng tiến hành
rất nhiều trận đánh bằng bom pháo, bằng bộ binh có xe tăng, xe thiết giáp, xe
phun lửa yểm trợ cho lính dù, lính thuỷ đánh bộ, lính biệt động tiến công, chỉ
xoay quanh một tòa thành không đầy 300.000m2, trong một thị xã với
diện tích gần 4km2, nhà cửa đổ nát, không một bóng người… Trong khi
đó, quân ta, trừ mấy tiểu đoàn của Tỉnh đội Quảng Trị, đại bộ phận đều chưa
thông thạo địa hình, phải vừa đánh vừa quan sát hiệp đồng nhưng đã phát huy trí
thông minh của từng cấp mà tạo ra cách đánh phù hợp, không chịu phòng thủ thụ
động mà liên tục cải thiện thế phòng thủ, vừa giữ chốt vừa xuất kích phản kích,
tập kích tìm địch mà đánh. Chính cách đánh sáng tạo của ta đã tạo ra “cái tốc
độ rùa bò”(8) 81 ngày đêm từ sông Mỹ Chánh tới Thành cổ của
những lực lượng cơ động chiến lược hàng đầu của địch.
Trước sức mạnh tàn phá, huỷ diệt điên cuồng của
địch, có ngày “địch đã trút vào mảnh đất nhỏ hẹp này 13.000 đạn pháo, hàng ngàn
tấn bom… Tính bình quân, mỗi người dân phải chịu 250 quả đạn pháo”(9).
Tuy nhiên, quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị về ý nghĩa cuộc chiến đấu ở
Quảng Trị là “trận quyết chiến có tầm quan trọng lớn về chính trị và về chiến
lược”(10), chúng ta đã kiên cường bám trụ, nhiều trận phản kích đẫm
máu của bộ đội ta diễn ra dưới chân Thành cổ. Ngay từ những ngày đầu chiến dịch
phòng ngự Thành cổ Quảng Trị, có thời điểm “các chiến sĩ Trung đoàn 48 đã chiến
đấu kiên cường, dũng cảm “1 chọi 100” đánh quỵ Lữ đoàn 2 dù”(11).
Trong trận địa đang nghiêng ngả, chao đảo vì bom đạn của địch, bộ đội ta vẫn
kiên cường đánh trả. Trong đó, “có ngày Tiểu đoàn 8, Tiểu đoàn 3 đánh lui 13
đợt tiến công của địch. Chiến sĩ Phan Văn Ba (Tiểu đoàn 3) bị thương nát một
bàn tay vẫn kiên quyết xin ở lại chiến đấu”(12). Tình trạng thiếu
thốn, khó khăn do tiếp tế vũ khí đạn dược, hậu cần gặp khó khăn như giai đoạn
“đầu tháng 8, chiến sĩ ta phải sống bằng lương khô, nước lã, bắn dè xẻn từng
viên đạn trong vòng vây địch”(13) cũng không làm nhụt ý chí,
quyết tâm của bộ đội ta.
Tuy nhiên, do hỏa lực của địch quá mạnh, phòng
tuyến vòng ngoài của ta bị vỡ dần. Từ đầu tháng 9-1972, cuộc chiến đấu đã diễn
ra vô cùng ác liệt trong lòng thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Ta và địch giành
nhau từng căn nhà, góc phố, từng mảng tường Thành cổ. Thời tiết lúc này không
thuận lợi, áp thấp nhiệt đới liên tục xảy ra, nước sông Thạch Hãn dâng cao, cả
thị xã chìm trong biển nước. Lợi dụng tình hình đó địch tăng cường bắn phá vào
công sự của ta. Các chiến sĩ của ta vừa thay nhau tát nước chống ngập công sự,
vừa chống trả địch, suốt ngày ngâm mình trong nước, ăn lương khô, uống nước lã
nên sức khoẻ giảm sút, thương vong rất lớn. Trước tình thế đó, quân ta được
lệnh rút lui sang sông Thạch Hãn vào 18 giờ, ngày 16-9-1972.
Từ một thị xã nhỏ ít ai biết đến, Quảng Trị trở
thành trung tâm thu hút sự chú ý của nhân dân cả nước và thế giới bởi sự hung
bạo của kẻ thù và tinh thần anh dũng vô song của đồng bào, chiến sĩ ta. Địch đã
huy động vào đây những sư đoàn thiện chiến nhất, những đơn vị binh chủng được
trang bị tối tân, hiện đại nhất, được chi viện tối đa hỏa lực với khối lượng
bom đạn tương đương “7 quả bom nguyên tử ném xuống Hirosima”. Nhưng quân ta đã
làm chủ thị xã trong một thời gian dài, “diệt hơn 24.000 tên địch, phần lớn là
quân dù và thuỷ quân lục chiến, bắn rơi 180 máy bay, phá huỷ 140 xe quân sự
trong đó có 90 xe tăng, xe bọc thép, 20 khẩu pháo cùng nhiều đồ dùng quân sự
khác. Riêng lực lượng vũ trang tỉnh từ 28-6-1972 đến 16-9-1972 đã đánh 642
trận…”(14). Không có sự so sánh nào nói lên hết sự khốc liệt của
chiến tranh nhưng “nếu đem so với tất cả các trận đánh phòng ngự đô thị đã diễn
ra trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam thì đây là đợt tác chiến dài ngày
nhất và cũng là quyết liệt nhất”(15). Tất cả sự hy sinh ấy đều vì
độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam.
Sáng ngời chân lý “Không có gì quý hơn độc lập,
tự do”
Trải qua 81 ngày đêm chiến đấu (thời gian kéo
dài gấp tám lần dự kiến ban đầu của Mỹ - ngụy), phải chịu đựng hàng trăm ngàn
tấn bom đạn các loại, nhưng với ý chí “bộ đội còn, Quảng Trị còn”, nhiều trận
đánh giáp lá cà để giành giật từng căn hầm, đoạn hào, điểm chốt với địch, hàng
vạn cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận Quảng Trị đã thực sự trở thành một tập thể
anh hùng. Tinh thần, nghị lực, ý chí chiến đấu trong 81 ngày đêm dưới mưa bom,
bão đạn khốc liệt của kẻ thù, các đơn vị bộ đội của ta đã chiến đấu vô cùng
dũng cảm, kiên cường bám trụ, chốt giữ và giành giật với địch từng mét chiến
hào, từng đống đổ nát; mưu trí, linh hoạt, phát hiện và tiêu diệt nhiều sinh
lực địch, thậm chí tiêu diệt cả những bộ phận nhỏ, lẻ, bí mật lẻn vào bằng
đường hầm nhằm cắm cờ trên Thành cổ. Qua gần 3 tháng chiến đấu anh dũng, kiên
cường, các lực lượng hoàn thành nhiệm vụ chiến lược được giao, làm thất bại ý
đồ nhanh chóng “tái chiếm Thành Cổ” của Mỹ - ngụy, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ
đấu tranh chính trị, ngoại giao.
Hơn 4.000 anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến
đấu và nằm lại nơi Thành cổ, tinh thần kiên cường chiến đấu và niềm tin quyết
thắng của những người lính khi tuổi còn đôi mươi đã khẳng định ý chí sắt đá của
con người trước bom đạn và điều kiện sống khắc nghiệt nhất của chiến tranh. Sự
hy sinh của họ là câu trả lời ngắn gọn, rõ ràng nhất, cảm động nhất, thức tỉnh
lương tri nhân loại về khát vọng cháy bỏng “độc lập, tự do, thống nhất” cho cả
dân tộc. Sự hy sinh ấy đã làm sáng ngời chân lý: cái chết không làm chùn bước
những người con yêu nước, vũ khí của kẻ thù dù có tối tân đến đâu cũng phải
khuất phục trước những con người có ý chí thép gang và lòng quả cảm, sẵn sàng
hy sinh vì độc tập, tự do là khát vọng của cả dân tộc và để có độc lập, tự do
thì họ sẵn sàng đánh đổi tính mạng của mình, chấp nhận và khắc phục mọi khó
khăn, trở ngại về điều kiện sống, như lời của Tổng Bí thư Lê Duẩn trong lần về
thăm Thành cổ đã viết: “Chúng ta đã chịu đựng được không phải vì chúng ta là
gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là
những con người, những con người thật sự - những con người Việt Nam, với truyền
thống 4.000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước
thời đại”(16). Chính tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập, tự do,
thống nhất và một cuộc sống hoà bình, với ý thức về cội nguồn dân tộc đã khiến
sức mạnh con người chiến thắng sự tàn phá của vũ khí, bom đạn ác liệt của kẻ
thù.”
Những nội dung bài viết này đã giải thích rõ cho độc giả về sự kiện Thành Cổ Quảng Trị năm 1972. Đồng thời, thông qua bài viết cũng lật tẩy được những âm mưu và thủ đoạn đê hèn của Việt Tân và đồng bọn.
Lịch sử không bao giờ có thể thay đổi được, chỉ có những kẻ cố tình xuyên tạc lịch sử để làm những điều trái với luôn thường đạo lý. Do đó, thay vì tin tưởng vào những luận điệu xảo trá của Việt Tân, độc giả nên “đừng nghe những gì Việt Tân nói mà hãy nhìn những gì Việt Tân làm”.
BÚT TRE - KIM HÙNG
(1), (8), (16) Tỉnh ủy Quảng Trị - Bộ Quốc phòng: 40 năm giải
phóng tỉnh Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành cổ (1972 - 2012), Nxb. Chính
trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 20, 191, 788
(2), (3), (4), (5), (6), (7), (15) Viện Lịch sử quân sự: Tổng kết tác
chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, tr.
20, 22, 26, 29, 129, 128, 127
(9), (11), (12), (13), (14) Thường vụ Đảng ủy và Ban Chấp hành quân sự tỉnh
Quảng Trị: Quảng Trị - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ,
cứu nước (1954 - 1975), 1998, tr. 213, 211, 213, 214, 215
(10) Viện Sử học: Lịch sử Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà
Nội, 2014, t. 13, tr. 362
Đừng nghe những gì Cộng Sản nói.
ReplyDelete(Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu)