Thông tin KCTD - Năm mươi lăm năm đã qua, mỗi khi đọc lại những dòng thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử/ Có những lời hơn mọi bài ca/ Có con người như chân lý sinh ra”, thế hệ hôm nay càng cảm nhận được rằng: Có người sống mà nhân cách, lẽ sống không còn, nhưng có những con người đã ra đi mãi mãi mà hình ảnh của họ còn sống mãi với thời gian, với người ở lại. Và, chính những người “như chân lí sinh ra” ấy đã trở thành “bất tử” trong lòng mọi người và dân tộc. Bởi tuổi trẻ của họ đã dâng hiến trọn vẹn cho đất nước hôm nay và mãi mãi về sau. Đó là “tiểu đội thép” - Truông Bồn - nơi đây đã trở thành huyền thoại về những con người “mãi mãi tuổi hai mươi”. Máu xương của họ đã làm nên khúc tráng ca bất tử tuổi 20!
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nói
đến những cống hiến, hy sinh thầm lặng của lực lượng thanh niên xung phong, ai
cũng biết đến 10 cô gái - 10 đóa hoa bất tử ở ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh, nhưng
ít người biết đến địa danh đã đi vào lịch sử trở thành huyền thoại bất tử về
lòng yêu nước, sự linh thiêng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đó là Truông
Bồn. Chính tại nơi này, vào ngày 31 - 10 - 1968, 13 cô gái, chàng trai đã ngã
xuống khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi. Máu của họ hòa tan vào đất trời, cây
cỏ. Những anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong đó đã viết nên một huyền tích
mang tên Truông Bồn.
“Truông” trong tiếng Nghệ là danh từ
để chỉ một đoạn đèo, dốc chạy giữa hai vách núi hiểm trở. Truông Bồn là một
đoạn đèo, dốc như thế có chiều dài 5 km, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A
hay còn gọi là đường 30 chạy qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ
An. Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là cung đường độc đạo,
nơi kết nối các huyết mạch giao thông từ hậu phương lớn miền Bắc ra chiến
trường miền Nam. Với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo
xây dựng tuyến đường 15A và tranh thủ mọi lực lượng, thời gian, vận dụng mọi
khả năng vận tải đi qua Truông Bồn để chi viện kịp thời cho chiến
trường.
Phát hiện được vị trí chiến lược của
Truông Bồn, đế quốc Mỹ tập trung đánh phá, hòng cắt đứt mạch máu giao thông của
ta, nhất là từ đầu năm 1968 sau khi bị thất bại nặng nề trên chiến trường miền
Nam, chúng điên cuồng ném bom miền Bắc. Sau khi phong tỏa các tuyến đường sắt,
đường sông, đường biển và Quốc lộ 1A qua địa bàn Nghệ An, chúng đã huy động một
lực lượng không quân khổng lồ với hơn 5.000 lượt máy báy ồ ạt tới đánh phá nhằm
hủy diệt Truông Bồn. Trong thời điểm này, nơi đây suốt ngày đêm có máy bay do
thám quần lượn, có ngày cao điểm lên tới 131 lần. Không lúc nào ngớt tiếng bom
đạn, mảnh đất Truông Bồn bị đào đi, xới lại nhiều lần. Hố bom chồng lên hố bom.
Từ đầu năm 1964 - 1968, chúng đã trút xuống nơi này 18.936 quả bom các loại và
hàng chục nghìn quả tên lửa, tàn phá 211 làng dọc tuyến đường; phá hủy hàng
trăm xe ô tô và hàng trăm khẩu pháo của bộ đội ta. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ,
bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông, dân quân tự vệ đã bị
thương. 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh, trong đó có
trên 370 chiến sỹ thanh niên xung phong.
Ngay sau khi nhận được mệnh lệnh, Ban
chỉ huy đơn vị lập tức triển khai thực hiện nhiệm vụ. Riêng Tiểu đội 2 được
mệnh danh là “Tiểu đội thép” làm nhiệm vụ trực chiến 14 người. Lúc này có 8
anh, chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 3 năm và đã được đơn vị
tổ chức liên hoan chia tay để sáng hôm sau tạm biệt đơn vị. Trong đó, 5 người
đã hoàn tất thủ tục ra quân chuẩn bị vào học tại các trường trung cấp chuyên
nghiệp. 2 người ra quân chuẩn bị tổ chức đám cưới. Có chị cũng vừa nhận được tin
anh trai đã hy sinh, ở nhà chỉ có cha mẹ già, không ai chăm sóc. Song, các anh
chị đã xin tình nguyện ở lại 1 ngày cùng mọi người với suy nghĩ thật đơn giản: “1
giờ còn ở đơn vị là 1 giờ còn ra hiện trường”.
Đến 6g10, công
việc vừa hoàn thành, kẻng báo động vang lên, các tiểu đội đã rút về hầm trú ẩn.
Riêng Tiểu đội 2 làm nhiệm vụ trực chiến sẽ rút về hầm trú ẩn sau cùng. Nhưng
các anh, chị đã không kịp trở về bởi bất ngờ một tốp 4 chiếc máy bay Mỹ trút
xuống hàng chục quả bom phá. Truông Bồn chìm trong biển lửa khói. 11 cô gái và
2 chàng trai vĩnh viễn để lại tuổi 20 trên mảnh đất Truông Bồn. Chỉ có duy nhất
Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông sống sót. Đau đớn hơn, Đại đội chỉ tìm thấy 6
chiến sỹ. 7 người còn lại máu xương đã mãi mãi hòa vào đất đá, cỏ cây Truông
Bồn. Chỉ còn 1 ngày nữa thôi, các anh chị đã được sống đời tự do với bao ước mơ
hoài bão nhưng những người con đã về với đất mẹ để lại sự xót xa, khắc khoải,
buồn đau cho người ở lại. 13 chiến sỹ Đại đội TNXP 317 đã anh dũng hy sinh ở
tuổi thanh xuân. Các chị, các anh cùng hơn một nghìn đồng chí, đồng đội đã dâng
hiến cuộc đời cho con đường đi đến thống nhất Tổ quốc. Họ đã làm nên một huyền
thoại, viết lên khúc tráng ca bất tử để mãi mãi Truông Bồn là niềm tự hào của
người dân xứ Nghệ và dân tộc Việt.
Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh
ngay trên “tọa độ chết” Truông Bồn năm xưa. Song, sức sống tràn đầy hôm nay vẫn
là nơi chứa đựng biết bao huyền thoại thiêng liêng cao cả về “tiểu đội thép”.
Truông Bồn ngày ấy trên những ngọn đồi, đôi bên tuyến đường khốc liệt, dày đặc
vết tích bom đạn của quân thù là thế, nay bạt ngàn màu xanh của rừng cây bạch
đàn, xoài, mít, đồng ruộng màu mỡ, với những mái ngói đỏ tươi, nhà cao tầng thi
nhau mọc lên, tạo nên nét đẹp mới của nông thôn phát triển. Sự hy sinh của họ
không chỉ để lại tấm gương soi cho thế hệ hôm nay về sự hy sinh cao cả, mà mỗi
khi nhắc đến họ, thế hệ hôm nay càng thấm thía lời của nhà văn Nikolai
A.Ostrovsky trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy!”: “Cái quý nhất của con
người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho
khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn
vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói
rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao
đẹp nhất trên đời”. Và, cũng chính từ những lời nói của Pa-ven - nhân vật
chính trong tác phẩm đã gửi đến cho chúng ta nhiều vấn đề về lẽ sống, hướng
chúng ta biết yêu, biết ghét, biết dấn thân cho mục tiêu lý tưởng ca cả của đời
mình. Chính vì vậy mà “Thép đã tôi thế đấy!” đã trở thành cuốn sách “gối đầu
giường” cho lí tưởng sống của bao thế hệ con người Việt Nam thời Hoa - Lửa,
thôi thúc họ cống hiến tuổi trẻ của mình cho lý tưởng “Không có gì quý hơn độc
lập, tự do” và về khát vọng Việt Nam phát triển hùng cường hôm nay!
Quả là, sống trên đời, ai
rồi cũng chết, ai rồi cũng phải trở về cát bụi và điều đó đã là một qui luật
của tạo hóa. Không phải ai cũng có thể thành vĩ nhân để cái chết lưu danh với
hậu thế, không phải ai cũng được cộng đồng xót thương khi mình nằm xuống. Song,
mỗi con người phải sống cho trọn với đạo lí làm người. Để rồi khi ta nhắm mắt
xuôi tay dù có nhiều điều ta còn ấp ủ, còn dang dở nhưng ta cũng có thể mãn
nguyện là đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho gia đình mình, cho cái chung
của xã hội. Mỗi người sinh ra đều có thể lựa chọn cho mình một cách sống riêng,
một cách vào đời khác nhau. Song, điều cốt lõi nhất là mỗi một con người sẽ có
những đóng góp như thế nào với vị trí và ngành nghề mà mình theo đuổi. Nếu như trong
xã hội, ai cũng nghĩ cho riêng mình, ai cũng muốn cái lợi cho riêng mình thì xã
hội sẽ như thế nào, đất nước này sẽ đi về đâu? Tiền bạc, danh vọng đều quan
trọng nhưng nó không phải là tất cả, là mục đích cuối cùng để chúng ta có thể
chà đạp lên luân thường đạo lí để đạt được nó. Thời gian qua, chúng ta đã chứng
kiến không ít cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, dẫn
đến tình trạng “tự diễn biến”, tự chuyển hóa, đi ngược lại lẻ sống, hại dân,
hại nước. Họ đã đi ngược lại lý tưởng mà những cha anh mình đã ngã xuống đổi
lấy độc lập cho hôm nay.
Nhà văn Bailey đã từng nói:
“Khi bạn sinh ra, bạn khóc còn mọi người xung quanh cười. Hãy sống sao cho
khi bạn qua đời, mọi người khóc còn bạn cười”. Vì thế, mỗi con người chúng
ta hãy sống, cống hiến làm sao để có thể thanh thản “cười” khi nhắm mắt. Như chân
lý sống của “Tiểu đội thép” Truông Bồn để lại “Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc/Sống
kiên cường bám cầu, bám đường; chết kiên cường dũng cảm”, không quản ngại hy sinh gian khổ, đưa những chuyến
hàng chi viện cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam,
thống nhất đất nước. Đó là khẩu hiệu của Truông Bồn gửi gắm thế hệ hôm nay, đồng
thời là tấm gương để mỗi cán bộ đảng viên soi vào, sửa mình, cùng nhau hoàn
thành sứ mệnh lịch sử hôm nay, giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống lại
giặc “Nội xâm” và chính bản thân mình!
HỒNG NHUNG – ĐỖ QUYÊN
Bài viết khiến tôi tự hào hơn về thế hệ cha ông. Cảm ơn Tác giả!
ReplyDelete