Đăng bởi Đấu trường dân chủ lúc Tuesday, June 18, 2024 , 0 bình luận

 Theo KCTĐ - Từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời đã chấm dứt thời kỳ dài khủng hoảng đường lối của cách mạng Việt Nam, đưa lịch sử Việt Nam bước sang giai đoạn mới, giai đoạn cách mạng do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Ngay trong chính cương, sách lược vắn tắt trong hội nghị hợp nhất và luận cương chính trị tháng 10 năm 1930 đã khẳng định: “Tổ chức ra quân đội công nông” và “ Làm cho Đảng viên được quân sự huấn luyện”.



Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cao trào cách mạng 1930 - 1931 bùng nổ, những đội tự vệ đầu tiên ra đời từ cao trào Xô - Viết Nghệ - Tĩnh. Đây là những tổ chức tiền thân đầu tiên của lực lượng vũ trang do đảng sáng lập và lãnh đạo.

Ngày mùng 3 tháng 9 năm 1939, Đức tiến công Ba Lan mở màn cho chiến tranh thế giới lần thứ 2. Đảng kịp thời chuyển hướng chỉ đạo cách mạng Việt Nam sang thời kỳ mới. Nghị quyết Trung ương 6 của Đảng tháng 11 năm 1939 đề ra: “ Dự bị những điều kiện để bước tới bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc”, “lập quốc dân cách mạng quân”. Tháng 5 năm 1941 diễn ra Hội nghị Trung ương 8 tại Pắc Bó (Cao Bằng) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt minh), đồng thời xác định “ cuộc cách mạng Đông Dương phải kết thúc bằng cuộc khởi nghĩa võ trang”, đi từ khởi nghĩa từng phần tiễn tới Tổng khởi nghĩa. Tình hình phát triển nhanh chóng, việc đào tạo cán bộ đặc biệt là cán bộ quân sự ngày càng được quan tâm đặc biệt. Một số tài liệu cán bộ quân sự đã được chuyển cho cán bộ đảng viên nghiên cứu. Ở Nam Kỳ, tài liệu về cách đánh du kích được lưu hành. Ở trong tù nhiều đảng viên được bí mật bồi dưỡng về kiến thức quân sự. Theo chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, một số cán bộ, đảng viên được cử đi học quân sự ở nước ngoài như Lê Hồng Phong, Lê Quốc Vọng, Nguyễn Sơn, Phùng Chí Kiên… học ở trường quân sự Hoàng Phố, Đàm Quang Trung, Hoàng Minh Thảo, Hoàng Văn Thái học ở Trường quân sự tỉnh Quảng Tây, một số học ở Đại học Phương Đông, Lê Hồng Phong được cử sang học tiếp ở Liên Xô, trở thành đại úy không quân đầu tiên của Việt Nam. Cũng theo đó Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã ra đời ngày 22 tháng 12 năm 1944 theo chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Mùa xuân năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ hai bước sang giai đoạn kết thúc. Trước tình hình nguy cấp đó, để rảnh tay chuẩn bị đối phó khi quân đồng minh đổ bộ vào Đông Dương, Nhật đã đảo chính Pháp. Cuộc binh biến diễn ra  lúc 20 giờ 25 ngày 9 tháng 3 năm 1945, quân Pháp chống trả yếu ớt, trong 3 ngày đã đầu hàng quân Nhật trên toàn cõi Đông Dương.

Trên cơ sở dự báo tình hình từ năm 1943 và nắm được ý đồ của phát xít Nhật sắp đảo chính Pháp, nên trong đêm ngày 9 tháng 3 năm 1945, Ban thường vụ Trung ương Đảng mở rộng đã họp tại làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), phân tích mục đích và nguyên nhân của cuộc đảo chính và đi đến nhận định: Cuộc đảo chính sẽ tạo ra tình hình khủng hoảng chính trị sâu sắc, làm cho những điều kiên khởi nghĩa ở Đông Dương mau đi tới chín muồi. Ban thường vụ Trung ương đảng chủ trương phát động cao trào kháng Nhật cứu nước, trong đó cần kíp là phải tổ chức lực lượng, phát triển thêm bộ đội, du kích. Này 12 tháng 3 năm 1945 Trung ương Đảng ra chỉ thị “ Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phát động chiến tranh du kích ở những nơi có đủ điều kiện, phát triển các đoàn thể trong mặt trận Việt minh, phát triển lực lượng tự vệ du kích, gấp rút tiến tới tổng khởi nghĩa. Việc đào tạo cán bộ quân sự trở thành nhiệm vụ bức thiết.

Từ ngày 15 đến 20 tháng 4 năm 1945 tại Hiệp Hòa, Bắc Giang diễn ra Hội nghị quân sự  Bắc kỳ do Trung ương Đảng triệu tập, dưới sự chủ trì của đồng chí Trường Chinh. Hội nghị nhận định: “Tình thế đã đặt nhiệm vụ quân sự lên trên mọi nhiệm vụ quan trọng và cần kíp lúc này….”, “phải tích cực phát triển chiến tranh du kích, gây dựng căn cứ kháng Nhật để chuẩn bị tổng khởi nghĩa cho kip thời”. Hội nghị quyết đinh:

- Chọn ngay một số đội viên khá huấn luyện thành đội trưởng và chính trị viên.

- Mở trường Quân chính kháng Nhật để đào tạo cán bộ lãnh đạo và chỉ huy quân sự cách mạng.

- Thu dụng nhân tài, lớp đầu tiên lấy một số học sinh chuyển lên chiến khu dạy quân sự .

Chấp hành Nghị quyết của Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ, cuối tháng 5 công tác chuẩn bị cho thành lập trường được tiến hành gấp rút. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm đến việc thành lập trường, Người giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp phụ trách, đồng chí Hoàng Văn Thái làm giám đốc, đồng chí Thanh Phong làm phó giám đốc. Địa điểm chọn để thành lập trường đó là xóm Khuổi Kịch, xã Tân Trào, châu Tự Do (nay thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).

Sau thời gian chuẩn bị nhà trường đã tổ chức khai giảng khóa 1 ngày 25 tháng 6 năm 1945. Buổi lễ đơn giản nhưng rất trang nghiêm. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt ủy ban lâm thời khu giải phóng nói chuyện với học viên. Chiều hôm đó toàn trường ăn một bữa cơm không muối để cùng nhau giữ một kỷ niệm sâu sắc, mở đầu cho truyền thống chịu đựng gian khổ của nhà trường quân sự cách mạng.

Trường Quân chính kháng Nhật ra đời là sự kiện chính trị quan trọng khởi đầu trong công tác nhà trường của Quân đội ta. Sứ mệnh thiêng liêng của trường là đào tạo cán bộ quân sự đầu tiên cho lực lượng vũ trang Việt Nam, làm nòng cốt cho toàn dân kháng chiến. Trong bước đầu thành lập trường rất thiếu thốn nhưng tiền đồ hết sức vẻ vang.

          THẾ PHƯƠNG

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X