KCTD - Mùa Thu năm 1945, Tổng khởi
nghĩa thành công, chính quyền về tay nhân dân. Ngày 2-9-1945, trên Lễ đài Quảng
trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với toàn
thế giới bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhà
nước của dân, do dân và vì dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới,
chính quyền về tay nhân dân, nhân dân trở thành người làm chủ chân chính vận mệnh
dân tộc mình.
Tuyên ngôn độc lập là một áng văn bất
hủ, tiếp nối truyền thống bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt và
Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Mở đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định
quyền độc lập, tự do của dân tộc ta bằng chính lời lẽ của tổ tiên người Mỹ, người
Pháp: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ
những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền được sống,
quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Viện dẫn của Người vừa khéo
léo, vừa kiên quyết, thể hiện sự nối tiếp văn hóa nhân loại và quyền bình đẳng,
tự do, độc lập giữa các dân tộc. Trên cơ sở đó, Người khẳng định: “Một
dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan
góc đứng về phía Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự
do, dân tộc đó phải được độc lập!”. “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc
lập và thật sự đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết
đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự
do, độc lập ấy”. Và, “Toàn thể nhân dân Việt Nam thà chết không chịu
làm nô lệ!”,
Lời thề đánh
thép của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam vừa dứt, cả biển người trước Quảng
trường Ba Đìn đồng thanh hô vang: “Xin thề!”.
Lời thề trong ngày Tết độc lập, cúng
chính là lời thề giữ nước của dân tộc Việt Nam! Lời thề thiêng liêng và tinh thần
bất diệt từ mùa Thu Tháng Tám năm 1945, kết tinh trong Tuyên ngôn độc lập vang
vọng khắp non sông, bay cao, bay xa trên trường quốc tế, tiếp thêm sức mạnh, niềm
tin để mọi người dân Việt Nam tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử, quyết tâm giữ
vững và bảo vệ nền tự do, độc lập vừa giành được.
Quyết tâm ấy được Đảng và nhân dân ta
bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng còn non trẻ đứng trước tình thế “Ngàn
cân treo sợi tóc”. Kết quả ấy buộc chúng ta phải tìm mọi cách nhân nhượng,
hòa hiếu và phải đánh đổi biết bao nước mắt, mau xương của nhân dân. Song,
chúng ta càng nhân nhượng, thì kẻ thù càng lần tới, vì, chúng muốn cướp nước ta
một lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất
nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ
tịch Hồ Chí Minh lại vang lên giữa mùa đông giá rét, hiệu triệu cả dân tộc nhất
tề đứng lên thực hiện lời thế giữ nước.
Thực hiện Lời thề giữ nước, tối mùa
đông năm 1946, nhà máy điện Yên Phụ cắt điện làm hiệu lệnh, những khẩu pháo của
quân dân Hà Nội tại Pháo đài Láng đã gầm vang, báo hiệu cuộc kháng chiến mới của
dân tộc bắt đầu. Lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chúng ta thà
hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” một
lần nữa làm bùng cháy ngọn lửa yêu nước trong trái tim toàn thể dân tộc Việt
Nam. Cả nước “không phân biệt già, trẻ, gái trai, tôn giáo…” dưới
ngọn cờ của Đảng cầm gươm, cầm súng đứng lên để giữ gìn những giá trị thiêng
liêng, giữ gìn phẩm giá của công dân một đất nước độc lập, tự do. Tổ quốc những
ngày tháng bi hùng ấy, các phố phường, làng mạc đều trở thành chiến lũy ngăn bước
quân thù, làm phá sản chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của
giặc Pháp, đưa Chính phủ kháng chiến trở về “Thủ đô gió ngàn” để rồi 9 năm sau
Lời thề giữ nước của dân tộc Việt Nam được chứng minh bằng chiến thắng Điện
Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Cả nước mừng vui, Thủ đô Hà Nội rực rỡ
cờ hoa đón những người con thân yêu năm 1946 ra đi “Đầu không ngoảnh lại” với
Lời thề sắt son, sẽ trở về giải phóng Thủ đô. Niềm vui ấy như vỡ òa khi Chính
phủ kháng chiến trở về, đưa miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng rồi,
miền vui ấy chưa được bao lâu, cả nước tiếp tục bước vào cuộc trường chính thử
lửa mới, đánh đuổi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai để giải phóng miền Nam, thống nhất
đất nước.
Hơn hai mươi năm là thời gian ròng rã
cả nước chung lòng đấu cật chia lửa cùng miền Nam “vì miền Nam ruột thịt, miền
Bắc nhiều đêm không ngủ”, giành lại sự toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc
thiêng liêng. Trong rừng sâu, giữa biển cả, dưới mưa bom bão đạn, cả nước hướng
về thủ đô yêu dấu, nơi ấy có Trung ương Đảng, có Bác Hồ, nơi từng vang lên Lời
thề giữ vững nền độc lập từ mùa Thu cách mạng. Vì mục tiêu, lý tưởng thiêng
liêng ấy, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc, trước khi ngã xuống trước bom
đạn quân thù, vẫn thiết tha mong muốn “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Chiến thắng
30-4-1975 là chiến thắng của khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất trên nền tảng
tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, là chiến thắng
của sự gắn kết mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Đại thắng mùa Xuân năm 1975,
đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam: kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả
nước đi lên CNXH.
Bước vào thời kỳ hòa bình, xây dựng đất
nước và hội nhập sâu và nền kinh tế thế giới. Đứng trước xu thế toàn cầu hóa,
đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế bên cạnh thuận lợi để phát triển
đất nước, Việt Nam cũng không tránh khỏi ảnh hưởng không nhỏ của chiến tranh cục
bộ, xung đột vũ trang, các thế lực thì địch “điên cuồng”, chống phá sự nghiệp
cách mạng nước ta... âm hưởng hào hùng của Tuyên ngôn độc lập: “Toàn
thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải
để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” vẫn tiếp lửa và thôi thúc dân tộc Việt
Nam vươn mình trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Lời thề độc lập của Chủ tịch Hồ Chí
Minh gần 80 năm trước trong Tuyên ngôn độc lập và tâm nguyện trong Di chúc
thiêng liêng của Người: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng,
toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất,
độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế
giới” mãi mãi là ngọn đuốc soi đường để Việt Nam thực hiện thắng lợi khát vọng
hùng cường, đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã
hội chủ nghĩa.
HỒNG NHUNG