Theo KCTĐ - Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đó là kết quả của quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu có chọn lọc những quan điểm, kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển kinh tế thị trường của các nước trên thế giới vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều quan điểm khác biệt, thậm chí là trái ngược, xuyên tạc, gây cản trở đến quá trình thực hiện mô hình kinh tế này ở Việt Nam.
Các thế lực thù
địch, phần tử cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước ra sức chống phá, xuyên
tạc rằng, không có nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa; kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa
là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau, Việt Nam đã, đang “xoay trục” sang
phát triển kinh tế thị trường theo hướng tư bản chủ nghĩa bằng việc khuyến
khích phát triển kinh tế tư nhân, tăng sự điều tiết của thị trường. Những luận
điệu trên thực chất là mưu đồ đen tối, cố tình xuyên tạc đường lối phát triển
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; gây tâm lý hoài
nghi, dao động, thiếu niềm tin trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân,
ảnh hưởng đến sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong Đảng và trong xã hội. Đây
là những luận điệu hết sức phản khoa học, không có cơ sở lý luận và thực tiễn.
Thứ nhất, các
thế lực thù địch cho rằng, không thể có nền kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa.
Nguồn gốc và
bản chất của kinh tế thị trường là kinh tế hàng hóa. Các phạm trù, quy luật của
kinh tế hàng hóa cũng là các phạm trù, quy luật của kinh tế thị trường. Các
phạm trù, quy luật này có trước chủ nghĩa tư bản, được chủ nghĩa tư bản sử dụng
để phát triển kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Kinh tế thị trường là sản
phẩm của văn minh nhân loại, không phải là sản phẩm “riêng có” của chủ nghĩa tư
bản. Chủ nghĩa tư bản đã sử dụng kinh tế thị trường làm cơ sở cho sự tồn tại,
vận động, phát triển của mình. Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước
kinh tế chưa phát triển, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa nên việc phát triển nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là rất cần thiết, nhằm giải
phóng lực lượng sản xuất, khai thác mọi tiềm năng, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn
lực để phát triển, từng bước xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát trong
thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Mô hình này là một kiểu tổ chức
kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở
và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội.
Đặc trưng của
kinh tế thị trường là cạnh tranh, các chủ thể kinh tế luôn cạnh tranh với nhau
để chiếm các nguồn lực sản xuất, dự án đầu tư, thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Cạnh tranh là sức ép, động lực thúc đẩy các chủ thể kinh tế năng động, sáng
tạo, hợp lý hóa tổ chức sản xuất; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, tăng
năng suất lao động; đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm; tiết kiệm, giảm chi
phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; qua đó, thúc đẩy kinh tế
phát triển, thanh lọc các chủ thể kinh tế yếu kém. Mặt tiêu cực của cạnh tranh
không lành mạnh là làm hàng giả, trốn thuế, chuyển giá, gây ô nhiễm môi
trường,… Trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, nhà nước tạo
khung pháp luật cho cạnh tranh; bảo vệ, thúc đẩy, tôn trọng cạnh tranh lành
mạnh; ngăn ngừa, hạn chế độc quyền cản trở cạnh tranh và chống lại các hoạt
động cạnh tranh không lành mạnh; điều tiết và giải quyết các thất bại của thị
trường.
Quy luật giá
trị là quy luật trung tâm, cơ bản của kinh tế thị trường. Giá trị là hình thái
của cải trong nền kinh tế thị trường, là mục tiêu, là yếu tố chi phối mọi hoạt
động sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế thị trường. Tác động tích
cực của quy luật giá trị là thúc đẩy chủ thể kinh tế năng động, sáng tạo, không
ngừng hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, đổi mới công nghệ,… Tác động tiêu
cực là khủng hoảng chu kỳ, phân hóa xã hội, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi
trường,… Trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, nhà nước vận
dụng quy luật giá trị thông qua việc tạo khung pháp luật, chính sách, chiến
lược, quy hoạch, kế hoạch và điều kiện thuận lợi cho quy luật giá trị vận động
để phát huy mặt tích cực, đồng thời hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực.
Các nền kinh tế
thị trường hiện đại trên thế giới hiện nay đều có sự kết hợp giữa cơ chế thị
trường và vai trò quản lý, điều tiết của nhà nước. Tuy nhiên, dù nhà nước tư
bản có sự điều chỉnh, điều tiết đến đâu thì bản chất của nền kinh tế tư bản chủ
nghĩa vẫn là phục vụ cho thiểu số lợi ích của giai cấp tư sản, không phải vì
lợi ích của đại đa số nhân dân lao động; và khi nó còn tồn tại dựa trên chế độ
chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất thì những mâu thuẫn đối
kháng của xã hội tư bản chủ nghĩa do khuyết tật của nền kinh tế thị trường tạo
ra không những không mất đi mà ngày càng gia tăng và thêm gay gắt.
Từ thực tiễn
quá trình đổi mới, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam về cơ bản đã hội đủ các yếu tố của nền kinh tế thị trường hiện đại theo các
chuẩn mực quốc tế, như đa dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, tự
do sản xuất, kinh doanh, lưu thông những hàng hóa mà pháp luật không cấm, các
chủ thể kinh tế cạnh tranh bình đẳng, hệ thống các loại thị trường phát triển
ngày càng đồng bộ…; vai trò của Nhà nước về quản lý kinh tế đã được đổi mới,
như quản lý bằng luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và sử
dụng nguồn lực kinh tế của Nhà nước, không can thiệp vào hoạt động sản xuất,
kinh doanh của các chủ thể kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, hạn chế, khắc phục
khuyết tật của cơ chế thị trường,…
Nội dung và
phương thức quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản
Việt Nam lãnh đạo không mâu thuẫn, đối lập, không cản trở hoạt động của các quy
luật kinh tế thị trường, mà tạo điều kiện phát huy mặt tích cực, hạn chế, khắc
phục mặt tiêu cực của các quy luật, để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững,
hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì vậy, chắc chắn rằng, các quy
luật của kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn không đối
lập nhau, không loại trừ nhau trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa ở Việt Nam.
Thứ hai, các
thế lực thù địch cho rằng, có sự chuyển hướng, “xoay trục” về phát triển kinh
tế thị trường ở Việt Nam.
Các thế lực thù
địch, phần tử cơ hội chỉ căn cứ vào việc phát triển kinh tế tư nhân và điều tiết
kinh tế bằng các quy luật của thị trường trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa
xã hội để quy chụp Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa là sai lầm, chưa
thấy hết được những nguyên tắc, bản chất, nội dung xây dựng chủ nghĩa xã hội ở
Việt Nam trong từng giai đoạn cũng như trong cả chặng đường. Việc xác định một
nền kinh tế là “chủ nghĩa xã hội” hay “tư bản chủ nghĩa” không thể dựa vào tiêu
chí về kinh tế tư nhân hay sự điều tiết của thị trường, mà quan trọng hơn là
phải dựa vào tiêu chí về mục tiêu phát triển nền kinh tế; bản chất, nguyên tắc
hoạt động của nền kinh tế; quá trình hình thành, phát triển của nền kinh tế,...
Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam từng bước
được hoàn thiện, phát triển qua các kỳ đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam trên
cơ sở tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, vận dụng sáng tạo những quan điểm
của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu có chọn lọc những
quan điểm, kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển kinh tế thị trường của các nước
có nền kinh tế thị trường hiện đại trên thế giới. Nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế đang ở trong thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội nên tất yếu tồn tại nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần
kinh tế nhằm huy động mọi nguồn lực để phát triển, trong đó kinh tế tư nhân là
một động lực quan trọng. Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả
các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, bình đẳng trước pháp luật, với các
thành phần kinh tế khác. Tạo mọi điều kiện phát triển kinh tế tư nhân nhưng
không đồng nhất với “tư nhân hóa” nền kinh tế trong nền kinh tế nước ta; kinh
tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để
Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt, thúc đẩy phát
triển kinh tế, xã hội, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển
nền kinh tế thị trường. Do đó, tuyệt đối không có cái gọi là “xoay trục” hay
“chuyển hướng” trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam như luận điệu
xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Giữa nền kinh
tế thị trường tư bản chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam có sự khác nhau căn bản và điểm khác biệt rõ nhất là, trong
nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, người làm chủ là giới chủ tư bản, là
giai cấp tư sản, còn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở
Việt Nam, người làm chủ là toàn thể nhân dân có sự quản lý của Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh”. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá, Việt Nam là một trong
những nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới; là điểm sáng trên toàn cầu
trong việc thực hiện thành công “mục
tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế -
xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Những kết quả đó là minh
chứng thuyết phục, tự nó đanh thép phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, sai
trái, thù địch về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
ở nước ta./.
QUANG GIỚI