(chiasekienthucnet)-Nếu Trịnh Xuân Thanh đang ở nước mà Việt Nam chưa kí hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, việc bắt giữ, dẫn độ sẽ khó khăn nhưng không phải là bế tắc.
Theo tin từ báo điện tử Vietnamnet: Trả lời báo chí hôm nay, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho biết: Hiện nay Việt Nam và CHLB Đức chưa ký hiệp đinh tương trợ về tư pháp nên giả sử Trịnh Xuân Thanh trốn ở đây thì sẽ gặp những khó khăn nhất định.
|
Thiếu tướng Trần Thế Quân. Ảnh: Tiền Phong
|
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc bế tắc trong việc bắt giữ và dẫn độ Trịnh Xuân Thanh.
Theo Thiếu tướng Quân, dù Việt Nam và một số nước chưa kí kết hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự riêng với nhau nhưng 2 quốc gia vẫn có thể áp dụng các điều ước quốc tế liên quan mà cả 2 quốc gia là thành viên.
Khi đó, vấn đề dẫn độ tội phạm có thể được thực hiện theo thoả thuận giữa 2 chính phủ, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.
Trả lời câu hỏi, giả sử Trịnh Xuân Thanh trốn sang Canada hoặc một số quốc gia khác mà phía Việt Nam chưa kí kết hiệp định tương trợ về tư pháp và hình sự thì việc bắt giữ, dẫn độ sẽ như thế nào, Thiếu tướng Quân cho rằng: Việc bắt giữ sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều song không hẳn là bế tắc.
Trong trường hợp đó sẽ vận dụng quan hệ ngoại giao giữa hai nước, bàn bạc, thương lượng cụ thể. “Dĩ nhiên, sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì trong thực tế, nhiều quốc gia cũng không dễ dàng dẫn độ được tội phạm từ Canada về nước”- Thiếu tướng Quân nói.
Theo luật sư Trương Anh Tú (đoàn Luật sư Hà Nội), nếu Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài, Bộ Công an sẽ có những biện pháp nghiệp vụ cần thiết để đưa ông Thanh trở lại Việt Nam.
Đối với một số quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký hiệp định Tương trợ tư pháp về dẫn độ tội phạm như: Hàn Quốc, LB Nga, Ba Lan, Lào…thì Việt Nam sẽ phối hợp để dẫn độ ông Thanh về nước.
Còn với các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Canada, Úc, phần lớn các nước Mỹ La Tinh, châu Phi, Tây Á, chúng ta chưa ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về dẫn độ tội phạm, việc chuyển giao ông Thanh về nước sẽ khó khăn hơn.
|
Ông Trịnh Xuân Thanh (giữa) khi còn công tác ở Hậu Giang |
Tuy nhiên nếu xác định được hành vi phạm tội của ông Thanh thì nhiều khả năng hành vi đó thuộc về nhóm tội phạm về tham nhũng. Nếu thuộc loại này thì đây là loại tội phạm mà không được bất cứ quốc gia và vùng lãnh thổ nào dung thứ. Do đó chúng ta có quyền hy vọng sẽ nhận được sự phối hợp của các nước sở tại để chuyển giao ông Thanh về nước.
Có thu hồi được tài sản?
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, đoàn luật sư TP Hà Nội), trong trường hợp nếu ông Trịnh Xuân Thanh tẩu tán tài sản ra nước ngoài thì Nhà nước Việt Nam vẫn có thể thu hồi.
Trước tiên, cần xem xét giữa Việt Nam và quốc gia nơi ông Thanh hợp thức hóa tài sản bằng tiền phạm pháp đã có chế tương trợ tư pháp, nếu có hiệp định Tương trợ tư pháp đã ký kết thì việc thu hồi tài sản sẽ thuận lợi hơn.
Trường hợp Việt Nam và quốc gia có tài sản ông Thanh tẩu tán chưa ký hiệp định này, chúng ta vẫn có thể thực hiện. Bởi lẽ, chúng ta và các nước trên thế giới đã gia nhập Công ước LHQ về chống tham nhũng 2003 (Việt Nam đã phê chuẩn Công ước này tháng 7/2009).
Nội dung chủ yếu bao gồm công tác phòng chống, hình sự hóa tội phạm tham nhũng, thu hồi tài sản bị thất thoát…
Theo tin từ báo điện tử vnexpress Việc bắt giữ ông Thanh nếu trốn ở Đức: Theo thượng tá Đào Anh Tuấn (Phó trưởng phòng cảnh sát truy nã tội phạm, Công an Hà Nội), thông thường lệnh truy nã quốc tế được phát ra nếu cơ quan điều tra có căn cứ hoặc nghi ngờ nghi can có dấu hiệu trốn khỏi lãnh thổ Việt Nam. Khi đó, cơ quan điều tra cùng các cơ quan có thẩm quyền, phối hợp với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) hoặc các quốc gia mà Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp để truy tìm, bắt và dẫn độ nghi phạm.
Với trường hợp nghi can Trịnh Xuân Thanh, thượng tá Tuấn cho rằng lệnh truy nã quốc tế sẽ được cơ quan chức năng thuộc Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Công an) gửi cho Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol). Từ đây, Interpol quốc tế thẩm định rồi tải lên trang web của tổ chức này để phát "lệnh" trên mạng toàn cầu. Các nước tham gia tổ chức Interpol sẽ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan điều tra của Việt Nam truy bắt Trịnh Xuân Thanh trên toàn thế giới.
Theo luật sư Vũ Tiến Vinh, dẫn độ tội phạm là thủ tục đặc biệt trong hoạt động tố tụng hình sự quốc tế và được thực hiện chủ yếu dựa trên các Điều ước quốc tế đa phương và Điều ước quốc tế song phương, nhằm trao trả người có hành vi phạm tội cho quốc gia mà người đó là công dân.
Việt Nam đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều quốc gia. Trường hợp nghi can bỏ trốn đến quốc gia chưa ký kết hiệp định song phương hoặc quốc gia đó chưa gia nhập Điều ước quốc tế liên quan, việc dẫn độ tội phạm có thể được thực hiện theo sự thoả thuận giữa hai chính phủ, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.
VT (chiasekienthucnet/tổng hợp)